Thi hành án tài sản thuộc sở hữu chung: Phức tạp, kéo dài
Dù bản án dân sự đã được tòa án phán quyết nhưng việc thi hành án lại gặp khó khăn, khi tài sản thi hành án là tài sản chung và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không chịu hợp tác. Thực tế đó dẫn đến người được thi hành án khiếu nại, việc thi hành án kéo dài.
Tài sản thi hành án của một đương sự là ngôi nhà thuộc sở hữu chung của nhiều người trong gia đình (ảnh mang tính chất minh họa).
Theo quyết định của tòa, bà H.T.T. phải có trách nhiệm trả nợ cho bà N.H.H. (cùng ở TP Quy Nhơn) số tiền 154 triệu đồng và tài sản thi hành án là căn nhà mà bà T. đang sinh sống. Tuy nhiên, ngôi nhà lại là tài sản mà bà T. đồng sở hữu với ông Đ. (em trai bà); bà T. không chịu tự nguyện thi hành án. “Cứ tưởng tòa tuyên án xong, cơ quan thi hành án vào cuộc thì tôi sẽ được nhận lại số tiền thiếu nợ. Ấy vậy mà, gần 5 năm qua, tôi vẫn chưa nhận được tiền. Bà T. chây ì, né tránh. Số tiền không nhỏ nhưng cũng không quá lớn, ấy thế mà tôi tới lui đủ chỗ vẫn chưa xong”, bà H. bức xúc.
Khác với bà H., ông P.V.Đ. được bà P.T.K. đồng ý bán tài sản để trả nợ sau khi bản án có hiệu lực pháp luật; song đến nay bản án vẫn chưa thể thi hành vì tài sản thi hành án là thửa đất 115 m2 thuộc sở hữu của bà K. và cũng thuộc sở hữu của chồng và các con bà. Gia đình bà K. cho rằng bà K. phải có nghĩa vụ trả nợ chứ họ không có nghĩa vụ trả nợ. Hơn nữa số nợ của bà K. chỉ bằng một phần giá trị của khối tài sản chung. Nếu bán đi, hay cưỡng chế thì đại gia đình tới 9 người biết sống ở đâu”.
Tại khoản 1, Điều 74, Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2014 quy định: Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án, thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung; hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Song thực tế, người phải thi hành án không muốn thi hành hoặc tìm mọi cách để kéo dài thời gian thi hành án. Còn những người có nghĩa vụ liên quan (đồng sở hữu tài sản) cũng không khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia, xác định quyền sở hữu tài sản, khiến cho việc thi hành bản án dậm chân tại chỗ. Và để có cơ sở xác định phần sở hữu, sử dụng tài sản chung theo số lượng thành viên của hộ gia đình hoặc của vợ, chồng tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản… đòi hỏi chấp hành viên phải xác minh, thu thập nhiều chứng cứ rồi mới ban hành thông báo để xác định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có sự không thống nhất giữa Nghị định 62/2015/NĐ với Luật THADS, dẫn đến sự khó khăn trong thi hành án đối với tài sản chung. “Nhiệm vụ của chấp hành viên là thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, quy định về chế độ tài sản chung, riêng của vợ, chồng hay tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng chung của hộ gia đình đối với bất động sản khá phức tạp nên việc xác minh, làm rõ về nguồn gốc tài sản rất khó khăn khi không nhận được sự hợp tác của các bên đồng sở hữu”, một chấp hành viên của Cục THADS tỉnh cho hay.
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản chung để cưỡng chế thi hành án luôn vấp phải sự phản ứng từ phía những người đồng sở hữu tài sản. Chi Cục trưởng Chi cục THADS TP Quy Nhơn Đỗ Đức Hùng cho rằng: “Thực ra, nếu tài sản thuộc sở hữu cá nhân thì việc kê biên, cưỡng chế không gặp khó. Song đã là tài sản chung thì lại khá phức tạp. Điều này không chỉ làm cho việc thi hành án kéo dài dẫn đến khiếu nại của người được thi hành án mà còn dẫn đến thực trạng bản án tuy có hiệu lực pháp luật nhưng lại chưa thể thi hành. Quy Nhơn mỗi năm có trên 3.000 việc phải thi hành án, trong đó tỷ lệ thi hành án liên quan đến tài sản chung không nhiều nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý, giải quyết án nói chung”.
K.ANH