Canh Liên xa mà gần!
Những ai ở đồng bằng, phố biển muốn khám phá vùng cao đặc sắc, nơi có nhiều cánh rừng và núi non hùng vĩ, nhưng chỉ phải di chuyển quãng đường ngắn, hãy lên xã Canh Liên, huyện Vân Canh. Có rất nhiều điều thú vị chờ đón bạn.
Đường đèo quanh co ở đoạn “cổng trời” trên đường đi Canh Liên. Ảnh: ĐÀO PHAN MINH CẦN
Vượt qua cung đường đèo dài 21 km, với nhiều dốc cao, ngoằn ngoèo, bạn đã thấy mình ở một vùng thời tiết khác. Hầu hết các núi cao nhất ở huyện miền núi Vân Canh đều tập trung ở xã Canh Liên. Nhưng vùng trung tâm xã Canh Liên chưa phải là nơi cao nhất. Ở phía Đông Canh Liên có núi Hòn Ông, Hòn Bà cao hơn 1.100 m so với mực nước biển, rải rác trên địa bàn xã còn có hơn chục ngọn núi khác có độ cao từ 600 đến hơn 1.000 m.
Cho dù bạn đã có hàng trăm lần vượt đèo thì đường lên Canh Liên vẫn đủ đầy những cảm xúc sống động, khi hành trình tăng dần theo độ cao, khí hậu trong lành, mát mẻ theo, và rừng xanh ngút ngàn, núi non trùng điệp nối nhau khiến bạn như dừng lại trong tâm tưởng - Chỉ còn bạn và thiên nhiên đang rì rào. Đây là “cung đường sống chậm” nên đừng vội vàng, cứ thong thả, túc tắc rong chơi, ven đường đầy hoa dại khoe sắc trong nắng, bên suối róc rách có rất nhiều tiếng chim hót. Chọn cho mình một điểm cao ưng ý trên đường, đứng phóng tầm mắt ra xa có thể thấy những con đường đèo ẩn hiện đi xuyên qua núi, những cánh rừng ngay dưới chân mình...
Một ngôi nhà sàn của người Bana ở Canh Liên.
Bắt đầu từ khu vực trung tâm xã Canh Liên, bạn có thể đi dạo quanh ngắm cảnh các làng Bana, như làng Hà Giao, làng Kon Lót, với nhiều nhà sàn kiểu truyền thống được giữ gìn tốt so với một số xã miền núi khác. Đi sâu vào trong làng, càng thích thú khi bắt gặp những ngôi nhà sàn nhỏ được bao quanh bởi khoảnh vườn rộng đầy hoa dại, “hậu cảnh” xa xa là đồi núi cao... thật lãng mạn để chụp hình “sống ảo”. Nhiều nhà dân ở đây trồng một số loại hoa rừng ở vườn trước nhà, những nốt điểm xuyết như vậy khiến ngôi làng như dịu dàng hơn. Nếu bạn chịu khó đến với làng Chồm, bạn sẽ thấy không phải mắt mà cả tai và lòng mình nhấp nhô theo những quả đồi nho nhỏ, những ruộng lúa xinh xinh, những hàng cây cao thật đẹp bên đường và đặc biệt là nụ cười thân thiện, những ánh mắt trong vắt của người dân nơi đây, đặc biệt là các em nhỏ.
Ở Canh Liên, tại bất cứ làng nào, ở bất cứ ngôi nhà nào, bạn đều có thể ghé vào trò chuyện. Nếu bạn gặp cảnh các mẹ, các chị đang làm việc bên khung dệt, đừng ngại hãy đến trò chuyện, người dân ở đây không chỉ vui vẻ trả lời bạn mà thậm chí còn sẵn lòng chia sẻ với bạn bát nước, hoặc một bữa cơm trưa giản dị. Nếu đi đúng vào dịp lễ hội, hay các đoàn khách kết nối tổ chức chương trình giao lưu với các làng, thì trong tiếng cồng chiêng rộn rã, khách sẽ được nhẹ lâng lâng cùng cần rượu nồng nàn. Tôi đã nhiều lần đến với đồng bào Bana và chưa bao giờ đủ sức từ chối lời mời rượu thân tình, ánh mắt và nụ cười tỏa nắng chân thành. Rượu thơm, cá suối, rau rừng như ngon hơn, ngọt hơn trong âm nhạc mà đồng bào ở đây trình tấu như một món quà tặng người khách lạ. Có lẽ vì thế mà bất cứ ai khi lên đến Canh Liên đều muốn quay lại thêm một lần nữa, và cứ sau mỗi một lần như vậy tình cảm với vùng đất này lại càng thêm nồng hậu hơn.
Suối nước Lía với những tảng đá to nhiều hình thù kỳ ảo ở làng Hà Giao.
Tại Canh Liên có khá nhiều con suối ở các làng. Trong đó, suối Hà Dớ to và đẹp nhất lại nằm ở vùng núi cao, đường đi tương đối khó, nếu bạn muốn đến chiêm ngưỡng con suối này nên chuẩn bị trước thật kỹ và tốt nhất là nên chuẩn bị ở lại lâu hơn bình thường. Thế nhưng cách trung tâm xã không xa là suối nước Lía (ở làng Hà Giao), có bãi đá trải dài với nhiều hình thù lạ mắt. Dọc theo suối có những tảng đá to thuận lợi cho nhiều người ngồi chơi dưới tán cây rừng rợp bóng mát, ngắm dòng nước chảy qua khe đá, có những đoạn tạo thành “bể bơi tự nhiên” nhỏ và không sâu, nên người dưới xuôi lên có thể đùa vui trong dòng nước mát lạnh giữa núi rừng.
Những bận rộn, mệt mỏi thường nhật sẽ tan biến khi hòa mình vào thiên nhiên vùng cao và thấy mình tan chảy trong những nụ cười rạng rỡ của Canh Liên. Bạn hãy thử một lần lên Canh Liên đi!
Từ TP Quy Nhơn theo QL1A ra thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), sau đó theo QL 19C lên thị trấn Vân Canh - quãng đường này dài khoảng 40 km. Hỏi thăm, người dân địa phương sẽ chỉ bạn lối lên Canh Liên. Từ trung tâm huyện lỵ lên tới Canh Liên đường xa khoảng 25 km. Ðường lên Canh Liên có nhiều dốc cao, uốn khúc, nếu đi bằng xe máy bạn không nên đi xe tay ga, sẽ rất nguy hiểm.
Từ thị trấn Vân Canh lên Canh Liên không có cây xăng, nơi bán xăng lẻ rất hiếm, vì vậy bạn nên đổ đầy xăng và tính toán thật kỹ để phân bố hành trình. Trên Canh Liên chỉ có sóng di động mạng Viettel.
HOÀI THU