Bảo vệ trẻ khuyết tật trước nguy cơ xâm hại tình dục
Theo UNESCO, nguy cơ trẻ khuyết tật trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục cao gấp 4 lần so với bạn bè khỏe mạnh cùng trang lứa. Các em vốn dĩ tự ti, mặc cảm nên khi bị xâm hại, sự tổn thương sẽ trầm trọng hơn gấp nhiều lần. Vậy mà, việc trang bị kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết cho trẻ khuyết tật đến nay vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Nhờ được giáo dục giới tính, tư vấn tâm lý, trang bị kiến thức và theo dõi sát sao, học sinh Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn sẽ tránh được nguy cơ bị xâm hại.
Mối nguy tiềm ẩn
Sẽ có không ít người nghĩ rằng, với trẻ khuyết tật, khả năng bị xâm hại là không lớn so với các trẻ khác, thực tế không hoàn toàn như vậy. Đối tượng xấu lại thường nhắm vào các em vì dễ uy hiếp, khả năng chống trả hầu như không có. Mặt khác, các em thường tự ti, nhút nhát, thường cam chịu, không dám nói ra khi bị xâm hại. Chính vì vậy, hậu quả để lại cho các em, cả thể xác lẫn tinh thần, luôn rất nặng nề.
Số liệu trong các báo cáo mới nhất được công bố liên quan đến tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại tình dục cho thấy, còn khoảng 1.500 người là nạn nhân mỗi năm, trong đó 40% phụ nữ, trẻ em gái bị khuyết tật từng ít nhất bị 1 lần bạo lực tình dục. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia tâm lý, con số này trên thực tế còn lớn hơn và các địa phương chưa xảy ra vụ nào không hẳn là không có; vụ việc chưa phát lộ có thể do nạn nhân sợ hãi hay bị kẻ xâm hại đe dọa, gia đình bức xúc lên tiếng nhưng sau đó xin rút đơn, một vài vụ được giải quyết theo hướng “tình cảm”...
Trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ
Hơn 5 năm qua, ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn đã không còn cảm giác nơm nớp lo sợ học sinh nhà trường bị kẻ xấu xâm hại. Có được điều này là nhờ nhà trường đã làm tốt khâu giáo dục giới tính, tư vấn tâm lý, trang bị kiến thức và theo dõi sát sao từng học sinh của mình. Ông Tín trao đổi: “Khi các em nhận biết rõ đâu là hành vi xâm hại, biết mình cần làm gì để ứng phó và được hỗ trợ kịp thời thì cơ hội cho kẻ xấu hầu như không có”.
Theo các chuyên gia, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng ứng phó là gốc của vấn đề trước mắt và lâu dài, giúp trẻ khuyết tật tránh nguy cơ xâm hại tình dục. Bà Võ Thị Tuyết, Trưởng Ban Gia đình Xã hội Hội LHPN tỉnh cho rằng, các bậc làm cha mẹ cần trang bị hoặc tạo điều kiện để trẻ được trang bị kiến thức để biết, nhận diện những nguy cơ bị xâm hại và biết cách bảo vệ mình.
Theo đó, các bậc cha mẹ thường xuyên nhắc trẻ không được một mình ra đường khi trời tối, không chơi nơi vắng vẻ, đi chơi về khuya, quen hoặc kết bạn với người lạ, không uống rượu bia hay chất kích thích, không tò mò xem cho biết phim xxx, hoặc để người khác đụng chạm vào cơ thể cũng như vùng kín. Ngoài ra, phải hết sức cảnh giác khi con ở nhà một mình, hoặc một mình với người khác giới, kể cả người thân trong gia đình.
“Phụ huynh bảo trẻ mang theo điện thoại hoặc còi khi ra ngoài đường, dạy trẻ nhớ số điện thoại người thân (nếu trẻ không dùng điện thoại) hoặc cài sẵn số 1, số 2 là số của bố, mẹ hoặc người thân nhất để bấm nhanh báo tin khi gặp sự cố hoặc cho trẻ đi học một số thế võ tự vệ để tấn công vào điểm yếu của kẻ xấu mà thoát thân…”, bà Tuyết tư vấn.
Cho rằng công tác truyền thông, trang bị kiến thức cho trẻ khuyết tật về nạn xâm hại tình dục cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thùy Trang (Trường ĐH Quy Nhơn) gợi mở việc chuyển tải thông tin đến trẻ khuyết tật có thể theo cách mô hình hoặc hình ảnh hóa, hoặc qua kênh nghe (đối với trẻ bị mù). “Hình thành nhóm sinh hoạt, nhóm làm việc để trẻ cùng tham gia vào một hoạt động nhóm nào đó, rồi cùng trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau”, bà Trang đề xuất.
NGỌC TÚ