Thiết bị di động thông minh đang mất an toàn
Thời gian qua, số người sử dụng thiết bị di động thông minh (TBDĐTM) như: điện thoại thông minh, máy tính bảng… tăng cao, song đi cùng với đó là những hiểm họa về an ninh mạng và nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin.
Tấn công mạng thông qua TBDĐTM đang trở thành mối nguy hiểm thường trực và ngày càng gia tăng. Khảo sát mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav cho thấy, người dùng chưa quan tâm đúng mức việc bảo vệ dữ liệu và tài khoản trên TBDĐTM. Hiện nay, hầu hết các ứng dụng phổ biến trên TBDĐTM đều cung cấp cơ chế đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị dùng chung tài khoản. Ví dụ, với tính năng chat của Facebook, nội dung hội thoại sẽ được cập nhật đồng thời trên tất cả các thiết bị có cùng tài khoản. Do đó, nếu để người khác sử dụng điện thoại thông minh cài sẵn tài khoản Facebook của mình, những gì người dùng gõ sẽ bị người khác đọc được cùng một lúc. Tương tự như thế với Gmail, Yahoo, hoặc các ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí… Vì vậy, nếu không chú ý bảo vệ tài khoản trên các TBDĐTM, người dùng có thể để lộ e-mail, danh bạ cùng nhiều dữ liệu nhạy cảm của cá nhân.
Ông Nguyễn Thế Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hạ tầng thông tin (Sở TT-TT tỉnh), cho biết: “Thời gian qua, các công ty về an ninh mạng và Bộ TT-TT đã liên tục cảnh báo nguy cơ lộ bí mật nhà nước qua việc sử dụng TBDĐTM tại các công sở hoặc dùng TBDĐTM trao đổi thông tin công tác có nội dung bí mật của các cán bộ, viên chức các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của các TBDĐTM cùng với công nghệ, nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng cao. Vì vậy, để tự bảo vệ trước các nguy cơ này, người sử dụng cần cài các phần mềm diệt virus uy tín vào thiết bị, đồng thời, cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thiết bị và hạn chế chia sẻ các thông tin nhạy cảm trên môi trường mạng”.
Theo thống kê của Công ty An ninh mạng Bkav, có 3 nguy cơ đối với TBDĐTM bao gồm: mã độc (malware), phần mềm gián điệp cá nhân (personal spyware) và phần mềm xám (grayware). Mã độc là phần mềm cố tình truy cập trái phép dữ liệu, phá hoại thiết bị, hay chọc phá người dùng. Phần mềm gián điệp cá nhân thu nhập thông tin cá nhân như vị trí, tin nhắn, thư điện tử, sổ địa chỉ. Phần mềm xám là các phần mềm thu thập thông tin người dùng phục vụ cho nhu cầu quảng cáo, tăng chất lượng dịch vụ của các hãng dịch vụ. Trong đó, hành vi phá hoại của các mã độc rất đa dạng, gồm: phá hoại TBDĐTM, đánh cắp thông tin người dùng (tài khoản, mật khẩu thẻ tín dụng…); gian lận trong thương mại, quảng cáo (tự động khởi tạo các cuộc gọi, nhắn tin trả tiền, gửi tin nhắn rác và tải phần mềm trả tiền)...
HIỀN MAI