Nhớ ơn người “dẫn thủy nhập điền”
Như thường lệ, ngày 1.11 (âm lịch) năm nay, người dân thôn Mỹ Đức (xã Tây An, huyện Tây Sơn) lại làm giỗ tưởng nhớ ông Văn Phong - người có công “dẫn thủy nhập điền” cho 7 xã của hai huyện Tây Sơn và An Nhơn.
Với người dân thôn Mỹ Đức và Tây An nói chung, nhắc đến ông Văn Phong, họ ít gọi kèm tên mà chỉ gọi “Ông” đầy thân thương và tôn kính. Người Mỹ Đức mỗi năm có 2 ngày giỗ chung: giỗ Ông vào ngày 1.11 và giỗ Bà (vợ ông Văn Phong) vào ngày 1.4. Theo những bậc cao niên kỷ ở đây, vì thất lạc ngày mất của ông bà Văn Phong nên bao đời nay, dân làng chọn ngày mở khẩu vụ Đông Xuân và vụ Mùa làm ngày giỗ. Đến ngày giỗ - ngày mở khẩu, mọi nhà nông ở 7 xã hăng hái có mặt suốt dọc tuyến kênh mương do ông Văn Phong khai phá, xúc động đứng trên thửa ruộng của mình, bổ những nhát cuốc đầu tiên, nạo vét lòng mương, be bờ, mở màn cho một mùa gieo sạ mới.
Dâng hương tưởng nhớ trong ngày giỗ ông Văn Phong.
Người có công “dẫn thủy nhập điền”
Rất khác với nghi thức tế tự các bậc thần linh, giỗ ông Văn Phong đơn giản và đầm ấm như ngày giỗ bậc sinh thành, người thân đã khuất trong mọi gia đình Việt Nam. Sáng sớm ngày này, bà con tập trung tại Đền thờ Văn Phong, mỗi người một tay sửa soạn mâm cỗ. Trong ngôi miếu đã cũ do chính nhân dân lập nên để thờ phụng, công “dẫn thủy nhập điền” của ông Văn Phong lại được dân làng nhắc nhớ. Đó là người đã sáng tạo nên công trình khai thông dòng chảy tự nhiên, dài trên 12km, theo những con mương rộng chừng 5-6m, dẫn nước từ sông Côn tưới tiêu cho một vùng ruộng đồng rộng lớn miền Đông Nam Tây Sơn. 7 thôn xưa kia, bây giờ là 7 xã, thị trấn: Phú Phong, Bình Hòa, Bình Thành, Tây An, Tây Bình, Tây Vinh (huyện Tây Sơn) và Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn) đều “ăn” nguồn nước Văn Phong.
“Trải qua gần bốn thế kỷ, đập Văn Phong vẫn tồn tại, không người dân nào trong vùng lại không biết đến lợi ích của công trình này. Ông Văn Phong là người Mỹ Đức nên chức Cả Yểng (đứng đầu việc khai thác các nguồn đập nước) trong suốt mấy thế kỷ vận hành công trình thủy lợi này đều do người Mỹ Đức đảm nhiệm. Các lớp thế hệ hậu sinh chúng tôi xem việc thờ phụng, chăm sóc đền thờ là trách nhiệm, vinh dự thiêng liêng”, ông Nguyễn Tiền, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Mỹ Đức, Trưởng Ban quản lý di tích Đền thờ Văn Phong, xúc động cho biết.
Nâng tầm di tích
Theo Tiến sĩ Đinh Bá Hòa - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trong lịch sử thủy lợi, hệ thống kênh mương và đập Văn Phong được xem là công trình thủy lợi cổ lớn nhất ở miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, ghi chép về người sáng lập và mang tên công trình thủy lợi ấy hầu như không có gì. Nếu công đức của ông Văn Phong đối với người dân Tây Sơn lớn lao bao nhiêu thì những gì còn lại liên quan đến ông lại khiêm nhường bấy nhiêu. Không có gì nhiều, ngoài ngôi miếu đã rất cũ, bài trí đơn sơ, diện tích vỏn vẹn 30m2. Đứng trước bàn thờ ông, lớp hậu sinh nhiều người bất giác chạnh lòng! Di tích liên quan đến ông, ngoài Đền thờ Văn Phong ở thôn Mỹ Đức, tại thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình còn có hai công trình khác là Chùa Kê và Miếu Kê, cũng do nhân dân trong vùng lập để tưởng nhớ, nay cũng đã xuống cấp.
“Chính quyền địa phương đang vận động “xã hội hóa” xây mới Đền thờ Văn Phong, rất có thể “giỗ Ông” năm 2014
sẽ được tổ chức trong đền thờ mới”
Theo ông ĐẶNG XUÂN HOÀNG - Chủ tịch UBND xã Tây An
“Không chỉ được tôn vinh như một nhân vật lịch sử của Tây Sơn và Bình Định mà nơi thờ tự ông Văn Phong cũng rất cần được xây dựng khang trang hơn, xứng đáng công lao của ông với dân với nước. Bên cạnh đó, về tín ngưỡng dân gian, nên nâng nghi thức cúng kỵ truyền thống của dân làng thành lễ hội mang màu sắc nông nghiệp của địa phương và tỉnh”, ông Đinh Bá Hòa đề xuất.
Sau khi được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh (giữa năm 2012), việc phát huy di tích này được chú trọng triển khai. Theo Chủ tịch UBND xã Tây An Đặng Xuân Hoàng, chính quyền địa phương đang vận động “xã hội hóa” xây mới Đền thờ Văn Phong, rất có thể “giỗ Ông” năm 2014 sẽ được tổ chức trong đền thờ mới. Giỗ năm nay, dân làng Mỹ Đức vô cùng vui mừng khi xem những mẫu thiết kế đền thờ mới do kiến trúc sư (KTS) Lương Quốc Hiếu (Trung tâm Kiến trúc - Quy hoạch Bình Định) mang về để bà con xem, góp ý. “Thiết kế Đền thờ Văn Phong nhất thiết phải phản ánh được những giá trị lịch sử và văn hóa về một nhân vật có công dẫn thủy nhập điền. Vì vậy, tôi sử dụng một số đường nét, thủ pháp kiến trúc để công trình nói lên được điều này...”, KTS Lương Quốc Hiếu cho biết.
SAO LY
Mỹ Đức, Tây An những ngày này, trên các cánh đồng, người dân hối hả cày ải đất cho vụ mới. Sau lũ, bùn non dẻo sánh lấp lánh trên mặt ruộng, như hứa hẹn một mùa vàng. Đứng ở sân Đền thờ Văn Phong trông ra cánh đồng bao la trước mặt, cụ Trần Trước, người từng tham gia mô hình Yểng Văn Phong ngày trước, hoài niệm và ao ước: “Bấy năm, ngày này, 4 đoàn nhân lực nạo vét kênh mương gồm Bình An Bắc, Bình An Đông, Bình Hòa, Bình Hòa 3 ra quân sáng cả đồng. Mấy trăm con người, mồ hôi ướt đầm mà trong lòng vui như hội. Nay, kênh mương thủy lợi bằng bê tông, nhưng vẫn cần đến những bàn tay chung sức: phát quang bụi rậm để chuột khỏi đục bờ làm tổ, diệt ốc bươu vàng, làm sạch rác, bì nhựa, mẻ chai, vỏ thuốc trừ sâu, cho nước thông dòng… Nhân ngày giỗ, nhớ Ông, mong sao sớm thấy được cảnh này!”.