Quản lý, nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp
Ngành Lâm nghiệp tỉnh thời gian qua đã chú trọng công tác kiểm tra, quản lý nguồn gốc cây giống, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp thực hiện các quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Những năm qua, nghề trồng rừng trong tỉnh phát triển mạnh, góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh. Cả tỉnh hiện có 143 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp với năng lực sản xuất khoảng 200 triệu cây/năm; trong đó có 3 DN sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Việc quản lý, nâng cao chất lượng cây giống được coi là giải pháp quan trọng nhằm góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng rừng trồng.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn kiểm tra hoạt động sản xuất cây giống lâm nghiệp tại Công ty TNHH Vũ Hà.
Theo ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn, địa bàn đơn vị quản lý hiện có 21 cơ sở đăng ký sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Hằng năm, đơn vị đều có kế hoạch tham mưu cấp trên để kiểm tra nguồn gốc cây giống theo chức năng. Nhìn chung, các cơ sở đều sử dụng nguồn giống có xuất xứ rõ ràng và được công nhận. Song, một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình chưa đầu tư hệ thống bơm tưới, xả thải nước bài bản, đã được đơn vị kiểm tra, nhắc nhở, buộc ký cam kết hoạt động đúng quy định.
Công ty TNHH Vũ Hà (TP Quy Nhơn) mỗi năm sản xuất, cung ứng ra thị trường 7 - 8 triệu cây giống lâm nghiệp giâm hom, 4 - 5 triệu cây cấy mô. Nguồn cây giống của công ty được ngành chức năng cấp phép, chứng nhận nguồn gốc. Ông Huỳnh Thanh Phương, phụ trách công tác kế hoạch của Công ty TNHH Vũ Hà, cho hay: “Công ty thường xuyên thay thế nguồn cây giống mẫu. Trong quá trình sản xuất, cây giống phải đảm bảo phát triển đủ kích cỡ, chiều cao từ 28 - 30 cm mới cung ứng ra thị trường. Chi cục Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra quá trình sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Hiện công ty đang xây dựng thêm một phòng nuôi cấy mô để tăng công suất sản xuất cây giống cấy mô và có chính sách giảm giá bán cho khách hàng”.
Kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh sản xuất khoảng 200 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Từ đầu năm đến nay, đã sản xuất được 13,4 triệu cây giống, trong đó có 13 triệu cây giống keo lai, còn lại là cây giống sao đen, thông caribe.
Trung bình mỗi năm, các cơ sở cung ứng số lượng cây giống đáp ứng kế hoạch trồng khoảng 8.500 ha rừng/năm của tỉnh, còn lại cung cấp thị trường ngoài tỉnh. Cùng với việc chọn mua cây giống tại các cơ sở sản xuất uy tín để trồng, nhiều chủ rừng trong tỉnh sử dụng giống cây cấy mô vì tỷ lệ sống cao, chịu được gió bão, ít ngã đổ, cho sản lượng gỗ cao. Ông Trần Ngọc Thái, một chủ rừng ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 40 ha rừng cây keo lai, trong đó có 10 ha dùng giống keo lai cấy mô. Dù chi phí mua cây giống cấy mô cao gấp 3 lần cây giống giâm hom, nhưng hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Trung bình, rừng keo lai cấy mô trồng theo chu kỳ 6 - 7 năm tuổi khai thác cho năng suất cao hơn 40 tấn/ha so với keo lai giâm hom, lợi nhuận tăng từ 30 - 40 triệu đồng/ha”.
Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), cho biết: Chi cục chủ yếu quản lý nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp đối với các DN, cơ sở sản xuất quy mô lớn theo quy định tại Thông tư 30 của Bộ NN&PTNT. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nguồn giống cây trồng lâm nghiệp, thông báo các cơ sở hủy bỏ các nguồn giống khi hết hạn công nhận theo quy định. Đồng thời phối hợp với phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế ở các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra các cơ sở quy mô nhỏ lẻ ở địa phương theo phân cấp quản lý, nhằm phát hiện, xử lý việc sản xuất, kinh doanh giống cây không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN