Khắc phục bệnh “lười” học chính trị
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) khẳng định việc “lười học tập lý luận chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Khắc phục căn bệnh này là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Ðảng hiện nay.
Lơ là, học kiểu đối phó
Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Đảng đã chỉ rõ: Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới cũng là biểu hiện của sự thoái hóa.
Đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng tiếp tục chỉ ra 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị (LLCT); lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Đồng thời Đảng ta thẳng thắn thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức”.
Cần tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng, đào tạo.
Trong ảnh: Trường Chính trị tỉnh tổ chức bế giảng một lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính (ảnh minh họa).
Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị và không ít cán bộ, đảng viên không nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải học tập LLCT. Có người thiếu tự giác, không chủ động tham gia, học kiểu gượng ép, đối phó, thậm chí trốn tránh học tập LLCT. Tại các lớp trung cấp LLCT, người viết đã chứng kiến có học viên đến trường nhưng ngồi lướt điện thoại ở ghế đá. Khi giáo viên chủ nhiệm vào điểm danh mới nhanh chân vào lớp, giáo viên vừa đi ra cũng “nối gót” theo sau.
Cá biệt, có người đã xin “nợ” cả bằng LLCT khi bổ nhiệm. Theo Thông báo kết luận số 16/TB-BNV cuối năm 2017 của Thanh tra Bộ Nội vụ về việc thực hiện các quy định pháp luật về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với công chức cán bộ quản lý của tỉnh, trong số 50 trường hợp công chức được bổ nhiệm chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh, có 4 người thiếu bằng trung cấp LLCT.
Không chỉ các lớp LLCT, các hội nghị học tập, bồi dưỡng, tập huấn, triển khai nghị quyết, nghiệp vụ công tác Đảng cũng chứng kiến tình trạng “ngồi cho có”. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy - nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Hoài Nhơn Nguyễn Văn Sơn, từng kể rằng, có những hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác đảng ở địa phương do đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trực tiếp về phụ trách, nhưng cán bộ ở cơ sở lại lơ là, không chú ý. “Có những vấn đề mới đã được đề cập, hướng dẫn rất chi tiết, nhưng do không tập trung nên các đồng chí ấy không nắm được, đến khi thực hiện vướng mắc lại gọi lên huyện đề nghị hướng dẫn lại”, ông Sơn chia sẻ.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng
Để phòng, chống hiệu quả căn bệnh lười học tập LLCT, nghị quyết của Đảng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên. Đây là vấn đề cơ bản quyết định chất lượng học tập LLCT.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đúng mức công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập LLCT làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ, đảng viên. Căn cứ vào ý thức, thái độ, trách nhiệm và kết quả học tập LLCT để nhận xét, xếp loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm. Đơn vị đào tạo và cơ quan nơi người học công tác cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện khâu này.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - nghiên cứu khoa học (Trường Chính trị tỉnh), một giải pháp quan trọng khác là đổi mới công tác nghiên cứu, xây dựng nội dung bồi dưỡng, đào tạo. Công tác biên soạn tài liệu, giáo trình phải chính xác, kịp thời; thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung nội dung, cập nhật kịp thời thông tin mang tính thời sự. Có vậy, người học mới nhận thấy lý luận là ngọn đuốc soi đường cho hoạt động thực tiễn, để việc học tập LLCT thực sự là nhu cầu của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý... cần được nâng cao chất lượng theo hướng chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức.
Thêm vào đó, một vấn đề hết sức quan trọng mang tính quyết định, đó là đội ngũ những người làm công tác giảng dạy, tuyên truyền phải đảm bảo trình độ, năng lực, đạo đức, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng LLCT.
“Ngoài ra, cũng cần tăng cường đầu tư cho các đơn vị, cơ quan làm công tác đào tạo và bồi dưỡng LLCT xứng tầm với vai trò, nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho tỉnh. Cơ sở vật chất được bổ sung kịp thời, nhất là trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học, gia tăng tính tương tác, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo”, ông Lâm bày tỏ.
NGUYỄN VĂN TRANG