Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi)
Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) sẽ được Quốc hội (QH) xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 QH khóa XIII. Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Định, đã phát biểu ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật này những nội dung sau:
Về độ tuổi kết hôn: nam phải trên 18 tuổi
Theo Ủy ban các vấn đề xã hội của QH, hiện có 2 loại ý kiến. Thứ nhất, tán thành quy định độ tuổi kết hôn là “nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên”. Thứ hai “nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi”. Tôi xin phép được phân tích thêm: Khi người nam đủ 18 tuổi, là tuổi thành niên, có đủ năng lực, hành vi dân sự, tuy nhiên đó chỉ là có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự đối với chính bản thân của mình. Trong hôn nhân, người nam còn có trách nhiệm với vợ, với con. Hôn nhân là tạo lập một gia đình mới, phát sinh một tế bào mới của xã hội, nên người nam, từ trách nhiệm đối với bản thân đến trách nhiệm đối với gia đình và với xã hội là một quá trình và cần có thời gian. Vì vậy, theo tôi một người nam 18 tuổi, vừa mới thành niên, vừa ra khỏi sự bao bọc của gia đình, nhiều người còn tiếp tục cần sự chăm sóc của cha mẹ thì chưa thể sẵn sàng cho nhiều trách nhiệm như vậy.
Chế định ly thân: mục tiêu là tạo cơ hội hàn gắn quan hệ vợ chồng
Tôi đồng ý với phân tích của Ủy ban các vấn đề xã hội là việc bổ sung chế định ly thân có thể xem xét quy định trong dự thảo luật với điều kiện chế định ly thân theo luật phải hướng đến mục tiêu tạo cơ hội để hàn gắn quan hệ vợ chồng. Với quan điểm như vậy, tôi đề nghị khi giải quyết ly thân sẽ không đề cập đến vấn đề phân chia tài sản chung. Cũng cần phải quy định là cha, mẹ phải đảm bảo cuộc sống của con cái trước và sau khi ly thân. Luật cũng cần quy định có những khoảng thời gian để gia đình có thể sinh hoạt chung trong thời gian ly thân, để vợ chồng có điều kiện hiểu nhau hơn, cũng là tránh người thứ ba xen vào cuộc sống vợ chồng trong thời gian ly thân. Như vậy, các cặp vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn có thể sẽ sớm chấm dứt tình trạng ly thân để quay lại chung sống với nhau.
Những trường hợp bị hạn chế quyền thăm nom con sau ly hôn
Tôi đồng ý Khoản 2, Điều 86 quy định cha mẹ trực tiếp nuôi con cùng thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần quy định thêm là cha, mẹ không trực tiếp nuôi con chỉ được thực hiện quyền của mình khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với con và người trực tiếp nuôi con. Có như vậy thì mới công bằng với 2 bên. Tôi đề nghị ở nội dung của Khoản 3, Điều 87 có quy định: “Trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc thăm nom, chăm sóc, giáo dục nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom của người đó”, cần bổ sung thêm nội dung “gây ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình của người trực tiếp nuôi con”. Vì thực tế có trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để gây ảnh hưởng đến đời sống, các mối quan hệ của người trực tiếp nuôi con cũng như cản trở họ trong việc xây dựng gia đình mới. Tòa án cũng cần hạn chế quyền nuôi con, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con mất năng lực hành vi, là đối tượng phạm tội, đang mắc các bệnh truyền nhiễm, để đảm bảo quyền lợi cho người con. Cần có quy định thêm đối với trường hợp cha mẹ không trực tiếp nuôi con mà thuộc đối tượng nghèo hoặc đang khó khăn như bị tai nạn, bệnh nặng thì được xem xét tạm thời không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mà vẫn có quyền được thăm nom, giáo dục con.
Chính phủ cần quản lý chặt chẽ việc mang thai hộ
Tôi đồng ý mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một quy định hết sức nhân văn. Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ có nhiều hệ lụy phát sinh sau này về đạo đức và kinh tế. Chính phủ cần quản lý chặt chẽ từ khâu đăng ký với nhà nước để mang thai hộ; tập trung đầu mối vào những bệnh viện lớn để quản lý và chăm sóc tốt. Việc chăm sóc, theo dõi người mang thai hộ phải được thực hiện hàng tháng, để đảm bảo sức khỏe cho người mang thai hộ và thai nhi, cũng như tránh trường hợp bị sảy thai, người mang thai hộ lại có thai với người khác gây nhiều hệ lụy sau này. Nếu Luật và nghị định chưa thể giải quyết được các vấn đề phát sinh từ việc mang thai hộ trong thực tiễn thì Luật chưa quy định chi tiết nội dung này, mà để khi có điều kiện phù hợp sẽ xây dựng luật riêng về vấn đề mang thai hộ.
NGUYỄN VĂN CẢNH