Bước tiến mới trong điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh
Phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung) là bệnh lý gây táo bón mạn tính ở trẻ em do vô hạch đại tràng. Phẫu thuật điều trị thành công bệnh này là một bước tiến lớn trên lĩnh vực ngoại khoa của BVĐK tỉnh.
Phình đại tràng bẩm sinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh. Tần suất thường gặp là khoảng 1/5.000 trẻ sơ sinh, trẻ nam chiếm 70-80%. Để điều trị phình đại tràng, nhất thiết phải phẫu thuật. Không nhiều bệnh viện thực hiện được loại phẫu thuật này, nhất là đối với trẻ sơ sinh, vốn có những yêu cầu cao về gây mê hồi sức.
Nhiều tiện ích
Ngay từ lúc mới sinh ra, bé Bùi Nhật Trâm Anh (7 tháng tuổi, ở An Khê, Gia Lai) đã gặp khó khăn khi đại tiện. Chị Đồng Thị Ánh Nga, mẹ của bé Anh, kể: “3 ngày bé mới đi cầu một lần, có khi lên đến cả tuần. Mỗi lần như thế, tôi phải thụt tháo cho cháu, phân ra vón cục. Mới đây, đến 20 ngày mà cháu vẫn không đi cầu được, dù thụt tháo nhiều lần, nên tôi đưa con nhập viện”.
Ngày 28.11, bé Anh được phẫu thuật điều trị phình đại tràng. Đến sáng 2.12, sức khỏe của bé tiến triển tốt. “Hôm qua (1.12), cháu đi cầu đến 5 lần đấy. Các bác sĩ bảo, ngày mai cháu được xuất viện rồi”, chị Nga vui mừng chia sẻ.
Nằm cạnh bé Anh là bé Nguyễn Thị Như Quỳnh (4 tuổi, ở Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạnh), chuẩn bị được mổ điều trị phình đại tràng. Quỳnh cũng có “vấn đề” với hệ tiêu hóa từ nhỏ. Mỗi lần không đi cầu được, bé bị chướng bụng, mệt lả. Nhiều lần đi khám, kết quả siêu âm vẫn chỉ là “ruột chướng”, “đầy hơi”. Việc điều trị chỉ dừng lại ở uống men tiêu hóa, thụt tháo. “Lúc nhỏ, chưa nói được, cháu chỉ khóc thôi. Gần đây, cháu nói đau nhiều lắm. Đưa xuống Bệnh viện tỉnh mới biết cháu bị phình đại tràng, phải mổ”, chị Nguyễn Thị Nương, mẹ của bé Quỳnh, cho hay.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phú, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh, bé Quỳnh là một trong số ít trường hợp được phát hiện bệnh khá muộn. Theo một thống kê được thực hiện tại khoa Ngoại Tổng hợp từ tháng 5.2005 đến tháng 5.2013, có 151 bệnh nhi từ 13 ngày tuổi đến 4 tuổi được phẫu thuật điều trị bệnh phình đại tràng. Trong đó, có đến 80% bệnh nhi được mổ trước 1 tuổi.
“Thực tế cho thấy, với các bệnh nhân càng nhỏ, tuy phẫu trường nhỏ, nhưng việc bóc tách trong ống hậu môn trực tràng dễ dàng hơn vì ít viêm dính. Do đó, thời gian mổ ngắn hơn ở trẻ lớn”, bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi Phan Xuân Cảnh giải thích.
Kết quả mổ cho 151 bệnh nhi cho thấy, thời gian mổ trung bình là 60 phút, chiều dài ruột cắt bỏ trung bình 30cm. 140 bệnh nhi được cho ăn bằng đường miệng ngay từ 6-12 giờ sau mổ, 40 bệnh nhi chỉ sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ. Đáng chú ý, 74,7% số trẻ chỉ nằm viện 5 ngày sau mổ; 75,5% có đại tiện ngay từ 6-12 giờ sau mổ, số còn lại có đại tiện từ 12-24 giờ. Kết quả mổ tốt là 137 bệnh nhi (chiếm đến 90,7%), khá là 14 bệnh nhi (chiếm 9,3%), cho thấy đây là một phẫu thuật có tính an toàn cao.
Không ngừng cải tiến
Theo bác sĩ Phạm Văn Phú, từ những năm đầu của thập niên 90, BVĐK tỉnh Bình Định là một trong rất ít bệnh viện thuộc tuyến tỉnh có thể phẫu thuật điều trị bệnh Hirschsprung để bệnh nhân khỏi phải chuyển lên tuyến trên. Bấy giờ, hầu như chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế phẫu thuật điều trị bệnh lý này và mổ làm 3 thì.
Tại BVĐK tỉnh, để điều trị bệnh Hirschsprung, phẫu thuật Swenson được bắt đầu áp dụng vào đầu năm 1993. “Lúc đó, chúng tôi mổ làm 3 thì, gồm mở hậu môn nhân tạo - phẫu thuật Swenson - đóng hậu môn nhân tạo, mỗi thì cách nhau khoảng 3 tháng. Sau một thời gian, chúng tôi đã mạnh dạn tiến hành phẫu thuật Swenson 1 thì, rút ngắn số lần mổ chỉ còn 1 lần duy nhất”, bác sĩ Phú nhớ lại.
Năm 1997, bác sĩ Phạm Văn Phú thực hiện đề tài Phẫu thuật Swenson 1 thì có cải tiến điều trị bệnh Hirschsprung. Đề tài được báo cáo tại Hội nghị hằng năm lần thứ 3 của Hội Ngoại nhi TP Hồ Chí Minh ngày 16-17.7.1999, đã tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi về tính khả thi của mổ 1 thì. Bởi, bệnh lý này chỉ được mổ ở các trung tâm lớn và vẫn phải mổ nhiều thì. Bên cạnh đó, số bệnh nhân được mổ 1 thì còn quá ít (6 trường hợp), nên tính thuyết phục chưa cao.
Với những kinh nghiệm tích lũy được, từ năm 2005, khoa Ngoại Tổng hợp bắt đầu ứng dụng phẫu thuật Pullthrough 1 thì qua ngã hậu môn với một số cải tiến nhỏ. Khi mổ, các bác sĩ banh rộng hậu môn bệnh nhân, rạch vòng niêm mạc ống hậu môn trên đường lược 0,5-1cm, tách niêm mạc lên 5-6cm rồi đi xuyên lớp cơ trực tràng, kéo đoạn đại tràng bệnh lý ra, xác định đoạn hẹp, đoạn chuyển tiếp và đoạn dãn. Tiếp đó, phẫu tích theo sát thành ruột để thắt mạch máu nuôi ruột. Sau đó, cắt bỏ đoạn hẹp và đoạn chuyển tiếp, cắt đoạn dãn cao đến mức có thể, cắt bỏ bớt ống thanh cơ hậu môn trực tràng, rồi nối đoạn đại tràng lành với ống hậu môn 1 lớp.
“Ngoài rút ngắn thời gian, phẫu thuật Pullthrough qua ngã hậu môn điều trị phình đại tràng bẩm sinh còn có nhiều ưu điểm khác. Như không để lại sẹo bên ngoài, ít đau, có thể cho ăn sớm sau mổ, chăm sóc sau mổ đơn giản, xuất viện sớm, ít biến chứng, ít mất máu nên không có trường hợp nào phải truyền máu”, bác sĩ Phú phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG
con tôi bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh hiện nay được 8 tháng trước đây BS tư vấn nong hậu môn nhưng không có kết quả nay phải phẫu thuật cắt bỏ mà tôi không biết tốn bao nhiêu tiền cho ca phẫu thuật?
cháu nhà tôi bị phình đại tràng PHÁT HIỆN SAU SINH 24H. cháu dược 10 tháng thì phẫu thuật. NAY ĐÃ 4 TUỔI MÀ VẪN KHÔNG TỰ ĐI ĐẠI TIỆN ĐƯỢC. mỗi lần cho cháu đại tiệ phải dùng mật ọng, có khi dùng mật ong cũng không đi được phải dùng XÔNG, đi khám, chụp phim các bác sĩ bảo vết mổ tố. vậy mà cháu không đi được. TÔI THA THIẾT MONG SỰ GIÚP ĐỠ, CAN THIỆP CỦA CÁC bác sĩ giúp cháu với. MỖI KHI CHO CHÁU ĐI ĐẠI TIỆN TÔI NHƯ ĐAU THẮT LẠI VÌ THƯƠNG CHÁU MÀ KHÔNG LÀM GÌ ĐƯỢC trăm sự nhờ các BÁC SĨ. xin LIÊN HỆ VÀO SỐ ĐT: 01698549978.HOẠC 0984856556. HOẠC 0894846556. GĐ CẢM ƠN VÀ CHỊU MỌI CHI PHÍ
Bé nhà e chưa được 1tháng tuổi nhưng có các biểu hiện như trên vậy có phải mổ không ạ? E lo quá mong các bác sĩ tư vấn