Ðể hộ kinh doanh cá thể phát triển tốt hơn
Báo cáo từ Cục Thống kê tỉnh, đến hết 31.12.2019, toàn tỉnh có hơn 92.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có hơn 34.000 hộ nằm trong diện quản lý thuế. Bên cạnh việc đóng góp vào số thu nội địa, theo đánh giá của nhiều ngành, hộ kinh doanh có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, ổn định đời sống, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi.
Hộ kinh doanh cá thể góp phần giữ gìn phát triển sản phẩm truyền thống địa phương.
- Trong ảnh: Buổi giới thiệu nghề truyền làm nón ngựa Phú Gia của một cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể ở làng nón Cát Tường (huyện Phù Cát).
Đóng góp của hộ kinh doanh cá thể không chỉ đến từ số thu, vì cả những hộ chưa nằm trong diện quản lý thuế vẫn có nhiều đóng góp đáng ghi nhận. Tỉnh ta có hơn 92.000 hộ kinh doanh cá thể, ước tính cứ mỗi hộ tạo ra việc làm từ 3 - 5 lao động với thu nhập từ 3,5 - 5,5 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, chủ hộ kinh doanh bánh kẹo đặc sản Bà Điền (thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) cho biết, hoạt động với quy mô hộ gia đình để giữ gìn nghề làm bánh kẹo truyền thống, song số lao động thường xuyên là hơn 10 người. Vào các dịp cao điểm, đặc biệt là Tết, số lao động thời vụ được tuyển thêm lên tới 20 người.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, hộ kinh doanh cá thể giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống địa phương. Đến nay, từ các hộ kinh doanh cá thể với 1 - 2 lao động, các hộ đã nâng dần quy mô, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, nhiều hộ phát triển lên thành cơ sở sản xuất lớn như: Nước mắm Như Hoa, cơ sở dừa giòn Thanh Phương, cơ sở bánh kẹo Sáu Chiến, cơ sở bánh tráng Phương Nguyên…
Ông Trần Đình Tổng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hoài Nhơn, cho biết, đóng góp lớn nhất là tạo ra việc làm, tạo thu nhập cho người lao động để ổn định cuộc sống; giữ và phát huy sản phẩm làng nghề, góp phần duy trì được nghề truyền thống cho địa phương; đặc biệt khi các hộ kinh doanh cá thể phát triển lớn mạnh, họ cũng đóng góp ngân sách địa phương, mà quan trọng hơn là khả năng phát triển lên với quy mô lớn. Đến hết năm 2019, toàn huyện có hơn 8.281 cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho hơn 35.000 lao động địa phương.
Sản phẩm bánh kẹo đặc sản của hộ kinh doanh Bà Điền (thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn).
Nhìn nhận về đóng góp của hộ kinh tế cá thể, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quy Nhơn, phân tích, đóng góp của họ vào số thu ngân sách không lớn, song họ có đóng góp rất quan trọng trong việc tham gia ổn định tình hình KT-XH trên địa bàn. Hơn nữa, hộ kinh doanh cá thể chính là nguồn thu có thể “nuôi dưỡng” và phát triển cho ngân sách địa phương. Hiện Chi cục Thuế Quy Nhơn thực hiện quản lý thuế với gần 7.000 hộ kinh doanh cá thể theo phương thức thuế khoán, hàng năm số hộ kinh doanh cá thể đưa vào danh sách lập bộ thuế tăng đều, chứng tỏ quy mô phát triển của hộ kinh doanh cá thể ngày càng lớn mạnh. Hộ kinh doanh cá thể sẽ chưa phải nộp thuế nếu doanh thu của họ chưa tới 100 triệu đồng/năm, song nếu xét dưới góc độ tác động xã hội, với quy mô nhỏ họ có khả năng linh hoạt, giỏi thích ứng, góp phần ổn định và tạo việc làm cho nhiều gia đình.
Thống nhất với đánh giá của đại diện nhiều ngành, trong cuộc họp Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng yêu cầu các cơ quan chuyên môn tổ chức khảo sát thống kê chi tiết, thực hiện đánh giá toàn cục vai trò, vị trí, đóng góp của hộ kinh doanh cá thể trong nền kinh tế địa phương. Việc đánh giá lại phải khoa học, bài bản nghiêm túc để tỉnh có thể xây dựng chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả, kịp thời, tạo điều kiện để hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Đánh giá lại còn tạo ra sự minh bạch trong công tác quản lý thuế, đồng thời hỗ trợ các hộ kinh doanh nâng quy mô, góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống.
THU DỊU