PJICO bán bảo hiểm cho “tàu 67” trở lại: Ngư dân yên tâm vươn khơi
Sau nhiều tháng liền ngừng bán bảo hiểm, khiến nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 trong tỉnh phải nằm bờ vì đã hết hạn, vừa qua Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO bán bảo hiểm trở lại cho “tàu 67”. Nhiều chủ “tàu 67” trong tỉnh thêm yên tâm khi vươn khơi bám biển.
Toàn tỉnh hiện có 61 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (thường gọi là “tàu 67”); trong đó có 48 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 5 tàu vỏ gỗ. Trong số này, có 4 tàu bị chìm, 3 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nằm bờ không hoạt động; chỉ còn 54 tàu hoạt động khai thác thủy sản (KTTS).
Một số tàu vỏ thép của ngư dân huyện Phù Cát đã được mua bảo hiểm trở lại và vươn khơi bám biển sau thời gian dài nằm bờ.
“Tàu 67” lại được ra khơi
Sau hơn nửa năm buộc phải để tàu nằm “phơi mình” tại cảng cá Đề Gi, đến đầu tháng 3.2020, ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát mới mua được bảo hiểm cho chiếc tàu vỏ thép BĐ 99016 - TS ) để ra khơi KTTS. Ông Thãi bộc bạch: “Sau khi phía PJICO tiếp nhận đơn, định giá lại giá trị con tàu, tôi đáp ứng đủ các điều kiện của họ, tàu tôi được cấp bán bảo hiểm. Giá trị con tàu của tôi từ mức 11 tỷ đồng xuống còn 5 tỷ đồng; phí bảo hiểm là 49 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí, tôi chỉ đóng 24,5 triệu đồng. Có bảo hiểm, tàu của tôi được ra khơi KTTS, đây cũng là chuyến biển đầu tiên sau nhiều tháng nằm bờ, hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn”.
“Bộ NN&PTNT thường xuyên trao đổi với Bộ Tài chính về vấn đề bảo hiểm “tàu 67”. Ðợt này, chúng tôi sẽ có công văn gửi Bộ Tài chính để có ý kiến sớm chỉ đạo DN bán bảo hiểm cho bà con ngư dân Bình Ðịnh. Bộ cũng sẽ cử Tổng cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Bình Ðịnh và DN bán bảo hiểm làm việc với Bộ Tài chính để có giải pháp bán bảo hiểm trở lại trong thời gian sớm nhất cho bà con ngư dân ra khơi”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN
Nhưng không phải ai cũng được như ông Thãi. Nhiều chủ “tàu 67” vẫn đang chờ được mua bảo hiểm. Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99169 - TS, cho biết: “Do tàu nằm bờ liên tiếp nhiều tháng liền, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền trả nợ vay cho ngân hàng. Tôi nộp đơn cho PJICO để mua bảo hiểm nhưng chưa mua được vì còn thiếu hợp đồng đưa tàu lên đà đại tu trong lần gần nhất theo yêu cầu của họ. Tôi mới đi gia hạn lại đăng kiểm tàu cá được thời gian 3 tháng, nên tôi tranh thủ trong thời gian còn hạn đăng kiểm đưa tàu đi biển kiếm tiền về rồi cho tàu lên đà đại tu, bổ sung hợp đồng lên đà nộp cho PJICO để mua bảo hiểm”.
Cuối tháng 2.2020, tại Hội nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Ðịnh tổ chức tại TP Quy Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cho biết: Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về bảo hiểm “tàu 67” và yêu cầu PJICO sớm đánh giá lại giá trị các “tàu 67” để bán bảo hiểm cho ngư dân, nhưng PJICO đưa ra rất nhiều điều kiện ngặt nghèo, buộc ngư dân đáp ứng họ mới bán bảo hiểm. Trong khi đó, ngân hàng thì sợ “mất cả chì lẫn chài” nên không cho tàu ra khơi khi không có bảo hiểm. Để sớm giải quyết vòng luẩn quẩn này, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT sớm có ý kiến can thiệp để gỡ vướng cho ngư dân Bình Định.
Sớm giải quyết các trường hợp còn lại
Theo PJICO Bình Định, sau 5 năm (2015 - 2019) triển khai bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 tại Bình Định, công ty đã đền bù tổn thất 604 vụ cho ngư dân Bình Định với tổng số tiền bồi thường 120 tỷ đồng. Mức đền bù thiệt hại vụ thấp nhất cũng lên đến 900 triệu đồng, vụ cao nhất là 17,3 tỷ đồng. Do tổng số tiền bồi thường quá lớn nên DN bán bảo hiểm phải tạm dừng để đánh giá, sắp xếp lại quy trình cấp bảo hiểm, giải quyết bồi thường. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty, PJICO Bình Định đã triển khai tiếp nhận đơn và hướng dẫn ngư dân bổ sung danh mục hồ sơ để được bán bảo hiểm, sớm gỡ vướng cho ngư dân.
Ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định, cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thẩm định lại giá trị tài sản các con “tàu 67”, DN bán bảo hiểm xác định lại giá trị các con tàu thấp còn ngân hàng cho vay vốn đóng tàu thì đòi giá trị cao. Vì vậy, khi định giá lại các con tàu, nếu ngư dân đồng ý thì báo với ngân hàng. Sau khi ngân hàng chấp thuận thì chúng tôi mới ký hợp đồng bán bảo hiểm với chủ tàu”.
Đến thời điểm này, Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định đã tiếp nhận 27 hồ sơ của các chủ “tàu 67” trong tỉnh đề nghị bán bảo hiểm và đã bán bảo hiểm cho 20 tàu. Các trường hợp còn lại PJICO đang hướng dẫn ngư dân hoàn chỉnh các thủ tục để sớm được cấp bán bảo hiểm trở lại.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN