Nông dân Phù Cát tưới tiết kiệm nước
Nông dân huyện Phù Cát sử dụng hệ thống béc tưới phun mưa khá phổ biến trên các cánh đồng. Tưới theo phương pháp này không những giúp giảm công lao động mà còn tiết kiệm khá nhiều nước, nhờ vậy giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.
Tiện lợi nhiều bề
Tầm 15 giờ hàng ngày, bà Huỳnh Thị Lệ, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải bật cầu dao vận hành hệ thống béc tưới phun mưa cho ruộng đậu phụng. Cầm trên tay bụi đậu phụng rất nhiều trái vừa nhổ, chỉ tay về phía ruộng đậu còn lại vẫn đang được béc phun mưa trắng xóa, bà Lệ chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần tưới, vợ chồng dang nắng 2 - 3 tiếng đồng hồ, kéo dây, vòi đi khắp ruộng, tốn rất nhiều công, nhiều nước mà tưới lại không đều. Sức mình có hạn, nên có chịu khó đến mấy mỗi vụ cũng chỉ sản xuất được 4 sào đậu. Từ ngày lắp đặt béc phun mưa, tôi sản xuất thêm tới 6 sào đậu nữa mà lại khỏe hơn trước. Giờ chỉ một thao tác nhỏ là cả hệ thống hoạt động, muốn hạn chế vùng tưới nào - ví dụ như chỗ mình đã thu hoạch - thì khóa van khu vực đó lại là xong. Tưới bằng béc, nước đều khắp, đậu phát triển đồng đều. Năng suất đậu vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đạt 5 tạ/sào, tăng 1 tạ so với trước”.
Bà Huỳnh Thị Lệ, ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) đang điều chỉnh béc tưới phun mưa.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tùng, ở cùng thôn Vĩnh Hội, cho hay: “Chi phí lắp đặt hệ thống béc phun mưa cho diện tích khoảng 3 - 4 sào từ 1 - 1,2 triệu đồng thôi, nhưng lợi ích thì rất lớn. Ví như trước đây, mình kéo vòi từ 2 - 3 tiếng mới tưới xong 4 sào đậu, thì nay chỉ cần hơn 1 tiếng, thời gian rỗi để làm việc khác. Nhờ rút ngắn thời gian tưới, nên mô tơ bơm nước ít bị hư hỏng, tiền điện giảm khá nhiều. Sản xuất khỏe hơn, thu nhập cao hơn, nên hầu như hộ nào cũng mở rộng diện tích, riêng nhà tôi hiện làm 7 sào đậu phụng, năng suất đạt 5 tạ/sào”.
Theo ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, hằng năm xã có hơn 860 ha cây trồng cạn, phần lớn diện tích này đều được nông dân lắp đặt hệ thống tưới béc phun mưa. Bắt đầu từ lợi ích của béc phun, bà con chú ý nhiều hơn đến vấn đề ứng dụng KHKT vào canh tác, chịu khó học hỏi, tiếp thu và triển khai sản xuất luân canh, xen canh nhiều vụ trong năm. Nhờ vậy, nhiều cánh đồng ở đây cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm.
Phù Cát có trên 2.000 ha cây trồng cạn đã được nông dân lắp đặt hệ thống tưới bằng béc phun mưa. Ảnh: TRƯỜNG GIANG
Cát Hải chỉ là một điển hình ở huyện Phù Cát trong sử dụng hệ thống béc phun mưa. Hiện nay, nhiều hộ dân tại các xã Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Tân cũng đã lắp đặt và phát huy hiệu quả của kiểu tưới này. Thậm chí, một vài hộ đã tiến tới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng cạn và cây lâu năm mà điển hình là cây xoài.
Tích cực nhân rộng
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, dùng béc tưới phun mưa là giải pháp tưới tiết kiệm dễ triển khai, đạt hiệu quả khá với cây trồng cạn. Theo tính toán sơ bộ, tưới theo cách này, nông dân chỉ tiêu tốn 20 - 27 công/ha, giảm được 80 công/ha so với cách tưới truyền thống và tiết kiệm được từ 25 - 30% lượng nước. Ngày 17.3, trong chuyến công tác kiểm tra việc phòng chống hạn, linh hoạt sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đến tận chân ruộng đậu phụng của gia đình ông Nguyễn Ngọc Giảng, ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Sau khi nghe ông Giảng trình bày về mô hình sản xuất đậu phụng ứng dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp chăn nuôi gia súc, cho lãi ròng 50 triệu đồng/4 tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tối ưu hóa mô hình này, tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Đặc thù của huyện Phù Cát là đất pha cát nên nước bốc hơi rất nhanh, vào mùa khô nhiều vùng bị thiếu nước tưới. Vì vậy phương pháp tưới béc phun mưa được bà con quan tâm. Hiện toàn huyện có trên 2.000 ha cây trồng cạn tại các xã: Cát Hải, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Tân… đã được nông dân lắp đặt hệ thống béc phun mưa. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nông dân lắp đặt hệ thống béc phun mưa trên toàn bộ 10.000 ha cây trồng cạn hàng năm tại địa phương.
PHẠM TIẾN SỸ