Anh Hà “chậu kiểng đá mài”
Đến xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, hỏi thăm nhà anh Hà “chậu kiểng đá mài”, ai cũng biết, bởi hơn 10 năm qua, anh Bùi Văn Hà (ở thôn Phú Thọ, ảnh) đã nổi tiếng khắp huyện với nghề đúc chậu kiểng đá mài.
Anh Hà kể: Tôi vốn là thợ xây, thấy việc đúc chậu kiểng hay hay nên nhân lúc rỗi việc bèn làm thử. Bắt tay vào làm mới thấy để đúc được một chậu kiểng đạt yêu cầu không phải đơn giản. Nếu chỉ đúc một cái chậu thôi thì không khó, nhưng cái chậu ấy phải đạt các yêu cầu: đẹp, nhẹ, bền và giá hợp lý - phải nói là khó. Sau nhiều lần thất bại, làm đi làm lại tôi mới thuần thục quy trình, chất lượng sản phẩm được khách hàng chấp nhận.
Hiện cơ sở anh Hà có 5 - 7 lao động, sản xuất khoảng 20 loại chậu với nhiều kích cỡ khác nhau, từ 60 cm đến 1,8 m với nhiều kiểu dáng như: Tròn, tứ giác, lục giác, bát giác, chữ nhật, ô van… Giá bán dao động từ 600 nghìn đồng đến 6 triệu đồng/chậu tùy cỡ và hoa văn trang trí.
Anh Nguyễn Văn Muộn, ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) làm việc tại cơ sở của anh Hà, kể: “Anh Hà là người truyền nghề đúc chậu cho tôi. Không chỉ dạy nghề, anh còn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ để không chỉ tôi mà các anh chị em khác cùng yên tâm làm việc. Thú thật là tôi từng nghỉ việc ở đây để đi tìm việc làm khác, sau nhiều lựa chọn tự thấy không nơi nào phù hợp hơn, nên tôi quay lại và anh Hà vẫn vui vẻ đón nhận. Hiện mức lương của tôi ổn định 6 triệu đồng/tháng”.
Khách hàng của cơ sở đúc chậu kiểng đá mài Bùi Văn Hà giờ đây không chỉ trong huyện Tây Sơn mà còn đến từ TX An Nhơn và TX An Khê (tỉnh Gia Lai). Anh Lê Đình Vinh, một bạn hàng của anh Hà, cho biết: Có rất nhiều chỗ đúc chậu đá mài chứ không riêng gì ở đây mới có. Nhưng ưu điểm của cơ sở anh Hà là khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn từ giá cả, quy cách, kiểu dáng… Thậm chí với những yêu cầu cá biệt, anh Hà còn đến tận nơi để xem trực tiếp và đo cái cây, từ đó tư vấn cho khách hàng có phương án đúc chậu phù hợp. Việc làm chu đáo như vậy tạo nên uy tín cho cơ sở.
ÁNH NGUYÊN