Vụ cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất lấn chiếm tại xã Tam Quan Nam:
Chính quyền địa phương khẳng định làm đúng pháp luật
Ngày 9.12.2019, UBND xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) thực hiện quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi chiếm đất của bà Trương Thị Thanh (ở thôn Trung Hóa). Trước những thông tin trái chiều về sự việc này, chính quyền địa phương khẳng định đã làm đúng quy định của pháp luật.
Được đằng chân, lân đằng đầu
Ngày 27.6.2003, ông Đỗ Văn Dũng (thường trú thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam, là chồng bà Trương Thị Thanh) làm đơn xin đất cất quán để mua bán ở vị trí đường lên Cầu Soi (thuộc thôn Trung Hóa), được UBND xã Tam Quan Nam chấp thuận bằng biên bản ngày 30.9.2003. Nội dung ghi rõ diện tích được xây dựng là 12 m2 trên thửa đất số 286C, tờ bản đồ số 5 (bản đồ năm 1996). Yêu cầu đặt ra là không được thay đổi từ quán thành nhà ở, không được xây dựng kiên cố. Thời gian làm quán là 3 năm, hết thời hạn quy định này, nếu hộ có nhu cầu tiếp tục hành nghề thì phải đến UBND xã để đăng ký gia hạn. Biên bản có chữ ký của ông Đỗ Văn Dũng. Thửa đất số 286C có diện tích 2.480 m2, thuộc loại đất rừng trồng do UBND xã quản lý, không phải là “đất hoang”.
Khu đất do gia đình bà Trương Thị Thanh lấn chiếm.
Thế nhưng, hết thời hạn 3 năm, vợ chồng ông Dũng, bà Thanh không trả lại đất hoặc xin gia hạn, mà tiếp tục chiếm đất xung quanh, xây dựng công trình để ở. Ngày 12.6.2008, vợ chồng bà Thanh có đơn kê khai tình hình sử dụng đất do lấn, chiếm gửi UBND xã Tam Quan Nam, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất lấn, chiếm là đất màu đang sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở là 77,7 m2. Chính ông Dũng, bà Thanh thừa nhận đây là đất lấn, chiếm.
Thực hiện quy định về xử lý lấn, chiếm đất đai, đất đã được giao không đúng thẩm quyền, thu tiền không đúng quy định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đủ điều kiện tiếp tục sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND ngày 18.3.2008 của UBND tỉnh), huyện Hoài Nhơn đã xét duyệt cho hộ ông Dũng, bà Thanh được lập thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 77,7 m2 và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
“Thực hiện kết quả xét duyệt nêu trên, UBND xã Tam Quan Nam đã nhiều lần hướng dẫn ông Dũng, bà Thanh lập thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Thực sự địa phương đã vận dụng chính sách để tạo điều kiện hết mức cho gia đình này. Tuy nhiên, gia đình bà Thanh không thực hiện theo hướng dẫn mà tiếp tục lấn chiếm các thửa đất liền kề”, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam Nguyễn Thanh Hải nói.
Cưỡng chế đúng pháp luật
Ngày 4.5.2013, ông Dũng, bà Thanh làm đơn khiếu nại đối với UBND xã Tam Quan Nam về hành vi không lập thủ tục đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông, bà với diện tích khoảng 250 m2.
Khoản 2, Điều 12, Quyết định số 15/2008/QĐ-UBND nêu rõ: “Tất cả những trường hợp lấn, chiếm đất đai từ ngày 1.7.2004 trở về sau, Nhà nước không công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; buộc tháo dỡ công trình có trên đất, giao trả mặt bằng cho Nhà nước. UBND huyện, thành phố ra thông báo quy định cụ thể thời gian tháo dỡ, giao đất cho Nhà nước; trường hợp quá thời hạn quy định mà không chấp hành thì thực hiện cưỡng chế theo quy định”.
Như vậy, có thể thấy phần diện tích đất gia đình bà Thanh lấn, chiếm sau ngày 1.7.2004 theo quy định không đủ căn cứ để được công nhận quyền sử dụng đất, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn giải quyết không công nhận nội dung khiếu nại trên.
Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, bà Trương Thị Thanh khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn. Sau khi tòa án thụ lý vụ kiện, bà Thanh lại rút yêu cầu khởi kiện; ngày 29.10.2019, TAND tỉnh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 51/2019/QĐSTHC.
Trong thời gian chính quyền, cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết khiếu kiện, bà Thanh tiếp tục chiếm đất do UBND xã quản lý, làm thay đổi hiện trạng, xây dựng công trình.
Cụ thể, trong các ngày 6, 7, 9.8.2018, UBND xã Tam Quan Nam liên tục kiểm tra, phát hiện và đề nghị bà Trương Thị Thanh chấm dứt hành vi đào đất, tạo mặt bằng, làm móng trụ trên thửa đất số 273, 274, tờ bản đồ số 8 (bản đồ năm 2000), xã Tam Quan Nam. Tuy nhiên, bà Thanh không chấp hành. Ngày 9.8.2018, UBND xã ban hành Thông báo số 34/TB-UBND về việc đình chỉ việc xây dựng công trình trên đất không hợp pháp của bà Trương Thị Thanh. Ngày 7.11.2018, UBND xã tiếp tục phát hiện, lập biên bản yêu cầu bà Thanh chấm dứt việc xây dựng công trình trên diện tích đất đã chiếm.
Chiều 21.2.2020, UBND xã Tam Quan Nam đã tổ chức đối thoại với bà Trương Thị Thanh và ông Ðỗ Văn Dũng xung quanh khiếu nại của bà Thanh về Quyết định số 287/QÐ-CCXP. Tại buổi đối thoại, hai bên tiếp tục giữ quan điểm của mình về sự việc. Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam Nguyễn Thanh Hải kết luận: Nội dung khiếu nại của bà Trương Thị Thanh là sai toàn bộ và giữ nguyên Quyết định số 287/QÐ-CCXP.
Ngày 4.1.2019, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam ban hành Quyết định số 08/QĐ-KPHQ và Quyết định số 09/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trương Thị Thanh bằng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Nhiều lần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục không thành, ngày 21.10.2019, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam ban hành Quyết định số 287/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với bà Trương Thị Thanh và tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế vào ngày 9.12.2019.
“Quá trình ban hành và tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định; được tiến hành đúng theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công khẳng định.
Thông tin sai sự thật
Sau vụ cưỡng chế, đã có thông tin cho rằng Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam “tổ chức cưỡng chế hủy hoại nhà ở và là nơi thờ cúng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng để lấy đất bán đấu giá”. Vậy, đâu là sự thật?
Trên thực tế, mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cầm (bà nội của ông Đỗ Văn Dũng) và 2 liệt sĩ Đỗ Hà Tịnh, Đỗ Quít (chú của ông Dũng) được thờ cúng tại nhà ông Đỗ Dặm (cha ông Dũng) ở vùng 1, thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam. Năm 2017, ông Đỗ Dặm chết; nhà, đất được chuyển cho ông Đỗ Tấn Vương (con ông Dũng) ở, thờ cúng mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ.
Nội dung này được thể hiện rõ trong biên bản xác nhận nơi thờ cúng liệt sĩ Đỗ Hà Tịnh, Đỗ Quít và mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cầm thực hiện ngày 25.11.2019, thành phần tham gia có cả đại diện gia đình người có công.
Thế nhưng, khi nhận được thông báo cưỡng chế, bà Trương Thị Thanh đã mang bằng Mẹ Việt Nam anh hùng, bằng Tổ quốc ghi công từ nơi đang thờ cúng lâu nay đến đặt trên bàn thờ mới lập tại khu đất lấn chiếm để cản trở việc cưỡng chế. UBND xã Tam Quan Nam đã lập thủ tục niêm phong, đưa về bảo quản các hiện vật tại trụ sở UBND xã.
HOÀI NHÂN