Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cơ sở
Thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở năm 2019.
- Trong ảnh: Tình huống mâu thuẫn gia đình giả định đặt ra được hòa giải viên vận dụng kỹ năng, kiến thức để giải quyết.
Cầu nối
Năm 2019, hơn 1.100 tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.486 vụ việc, hòa giải thành 1.201 vụ. Việc tiếp nhận các vụ việc ở địa bàn dân cư được các tổ hòa giải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; kịp thời hòa giải được những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế khiếu kiện, nhất là khiếu kiện vượt cấp.
Tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), đã kiện toàn 12 tổ hòa giải với 132 thành viên. Từ năm 2018 đến năm 2019, các tổ hòa giải ở địa bàn đã tiếp nhận 24 vụ việc tranh chấp, tổ chức hòa giải thành 19 vụ. Riêng Ban hòa giải thị trấn đã tổ chức hòa giải thành 64 vụ, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất đơn thư khiếu nại vượt cấp. Kết quả này có được một phần nhờ Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật thị trấn luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho các hòa giải viên cơ sở, góp phần hòa giải kịp thời các vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong cộng đồng.
Điển hình, ngày 21.2.2020, ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ hòa giải khối Phụ Đức (thị trấn Bồng Sơn) tiếp nhận đơn tranh chấp tiền đền bù đất nông nghiệp, hoa màu của bà Nguyễn Thị L. (54 tuổi) và anh ruột là ông Nguyễn Văn Ph. (61 tuổi) trên diện tích 650 m2 của bà Chế Thị K. (88 tuổi) là mẹ ruột của bà L. và ông Ph. Đầu năm 2020, huyện Hoài Nhơn tiến hành đền bù thu hồi đất xây dựng khu hành chính dân cư Bạch Đằng (giai đoạn 2) thì bà L. và ông Ph. xảy ra tranh chấp. Đến khi tổ hòa giải tiếp nhận, hòa giải viên phân tích, cuối cùng ông Ph. và bà L. bắt tay làm hòa, thống nhất giải quyết chuyện gia đình theo hướng đồng thuận.
Ông Nguyễn Lương, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban hòa giải thị trấn Bồng Sơn - cho biết thêm: So với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoài Nhơn, Bồng Sơn là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh; từ đó phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến tài sản, đất đai, lối đi hoặc mâu thuẫn trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày giữa người dân với người dân hoặc giữa người dân với chính quyền. Do đó, mỗi hòa giải viên phải đặt mình trong hoàn cảnh của người dân để hiểu, thông cảm và từ đó đề ra những cách giải quyết đúng đắn, phù hợp nhất.
Theo bà Hồ Mỹ Ngọc Chân, Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp, hàng năm, các hòa giải viên đều được tạo điều kiện để tham gia vào những lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, nắm bắt kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, giao thông, bảo vệ môi trường. Chính nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên kết quả hòa giải thành công ở địa bàn những năm gần đây luôn đạt khoảng 80% trở lên.
Nâng cao năng lực, hoàn thiện kỹ năng
Ngoài kết quả đạt được, thời gian qua hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, nhất là kỹ năng, kiến thức pháp luật của một số hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế; nhiều hòa giải viên lớn tuổi làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, áp dụng chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải, phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả hòa giải.
Để công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả, ngày 4.3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh từ 3 - 5 người; cấp huyện từ 4 - 8 người/huyện, thị xã, thành phố. Đảm bảo đội ngũ tập huấn viên có khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.
Bà Hồ Mỹ Ngọc Chân cho biết thêm: Theo kế hoạch, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tiến hành củng cố, kiện toàn tổ hòa giải, bầu bổ sung, thay thế hòa giải viên; bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải… Công tác này nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, qua đó góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
TRỌNG LỢI - BẢO SƯƠNG