SẢN XUẤT PHÂN HỮU CƠ VI SINH TỪ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI:
Bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông nghiệp sạch
Thời gian qua, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) đã hoàn chỉnh giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh. Giải pháp này vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm, bảo vệ môi trường và cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.
Cán bộ Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN hướng dẫn quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi heo.
Đề tài được Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN triển khai từ tháng 6.2019, qua đó tuyển chọn 3 chủng vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, xạ khuẩn) có khả năng chịu nhiệt, có hoạt tính cao trong phân giải các hợp chất hydratcacbon để ủ chất thải chăn nuôi (sau khi được xử lý bằng máy tách phân) thành phân bón hữu cơ vi sinh. Mô hình được thí điểm tại trang trại nuôi heo của ông Nguyễn Hải Đảo ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân. Từ khi đưa vào vận hành máy tách phân, trung bình mỗi tuần gia đình ông Đảo thu được khoảng 3 tấn phân. Từ số phân heo đã tách đó, gia đình ông Đảo được Trung tâm hỗ trợ chế phẩm sinh học để ủ phân chung với rác thải hữu cơ như lá cây trong vườn, bèo lục bình, rơm rạ theo quy trình kỹ thuật do Trung tâm hướng dẫn. Sau 30 - 45 ngày, chất thải được phân giải hoàn toàn tạo thành phân bón hữu cơ vi sinh, dùng để bón cho cây trồng rất tốt.
“Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nông nghiệp là một vấn đề không mới. Nhưng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh với quy mô và kỹ thuật phù hợp với điều kiện của địa phương là rất đáng ghi nhận.”
Ông Hoàng Anh Thiện, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, chia sẻ: Hoài Ân được mệnh danh là vựa heo của miền Trung. Đàn heo của huyện hiện có 120 nghìn con, trong đó chăn nuôi chủ yếu ở quy mô gia đình xen lẫn trong khu dân cư. Gần đây, 4 trang trại tập trung hàng đầu phát triển mạnh về quy mô, kỹ thuật nuôi, riêng về số lượng đã chiếm hơn 40% tổng đàn heo. Số lượng đàn heo ngày càng phát triển khiến khối lượng chất thải phát sinh tăng cao đột biến. Vấn đề chất thải từ phân heo đang tạo ra áp lực ngày càng lớn cho môi trường. Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi bước đầu đã cho thấy những kết quả khả quan trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, được ngườichăn nuôi tin tưởng.
Trang trại của ông Nguyễn Hải Đảo đang nuôi 600 con heo nái và 1.200 con heo thịt. Ông Đảo cho biết: “Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi không những giúp loại bỏ mùi hôi từ phân heo mà còn tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh để chăm sóc cây trồng hiệu quả”. Theo ông Lê Hồng Linh - chủ nhiệm đề tài, “Chất thải trong chăn nuôi heo trước khi xử lý có hàm lượng chất hữu cơ và các chỉ số N, P, K thấp hơn so với chất thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học sau 45 ngày. Chất thải chăn nuôi sau xử lý chế phẩm sinh học 45 ngày đạt tiêu chuẩn phân bón hữu cơ vi sinh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón lưu hành tại Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn làm phân bón hữu cơ vi sinh trong nông nghiệp”.
Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong nông nghiệp là một vấn đề không mới. Nhưng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh với quy mô và kỹ thuật phù hợp với điều kiện của địa phương là rất đáng ghi nhận. Hơn nữa nó phục vụ rất tốt cho mục tiêu phát triển các vườn cây ăn trái theo hướng nông nghiệp sạch của Hoài Ân.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, chia sẻ: “Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ nỗ lực hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ xử lý chất thải chăn nuôi, hoàn thiện quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh để tiến hành chuyển giao cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, nền nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với con người và môi trường tại Bình Định”.
HỒNG HÀ