Thổ Nhĩ Kỳ nối lại chương trình “đổi vàng lấy khí đốt” với Iran
Số liệu thống kê mới đây cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại hoạt động xuất khẩu vàng sang Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran, một dấu hiệu cho thấy Ankara sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm chính trị để tiếp tục chương trình “đổi vàng lấy khí đốt” với Iran.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan
Trước đó, chính phủ Mỹ cố gắng ngăn Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp nguồn lực tài chính cho Iran. Vì không thể giao dịch bằng USD hay đồng euro, nên Iran phải chọn cách nhập khẩu vàng để đổi lấy việc xuất khẩu khí đột sang Thổ Nhĩ Kỳ. Vàng không thuộc quyền kiểm soát của ngân hàng trung ương hay cơ quan quốc tế nào; vì vậy, các nước hay tổ chức bị mất quyền tiếp cận với hệ thống tài chính và ngân hàng trên thế giới có thể sử dụng vàng như là đơn vị tiền tệ.
Reuters dẫn số liệu do Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố cho biết, trong tháng 2.2013, nước này đã xuất sang Iran số lượng vàng trị giá gần 117,9 triệu USD. Điều này chỉ rõ rằng hoạt động đổi vàng lấy khí tự nhiên giữa hai nước đã được khôi phục.
Vì Thổ Nhĩ Kỳ không thể trả cho Iran đồng euro hay USD, nên Ankara sử dụng đồng nội tệ lira để mua năng lượng từ Tehran và sau đó Iran dùng đồng lira để mua vàng. Các công ty vận chuyển của Iran lại chở vàng đến Dubai và đổi lấy các ngoại tệ khác nhằm lách các biện pháp kiểm soát tài chính do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng và Ankara chỉ tập trung nhập khẩu dầu khí từ Iran. Trong khi đó, mặc dù Mỹ không cho Thổ Nhĩ Kỳ một lựa chọn nào khác để thay thế Iran, những Bộ Ngoại giao Mỹ lại liên tục chỉ trích chương trình đổi vàng lấy khí đốt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các nước được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt vì giảm giao dịch với Iran hồi tháng 1 và việc miễn trừ này sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Hiện vẫn chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục hoạt động nhập khẩu dầu khí với Iran sau thời điểm này hay không. Tuy nhiên, trong những tháng tới, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan sẽ phải quyết định liệu tăng trưởng kinh tế của nước này có bị tham vọng địa chính trị của Mỹ đè bẹp hay không. Rõ ràng là không tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ là một điều nguy hiểm nhưng để nền kinh tế mất đi một nguồn cung năng lượng giá rẻ cũng có thể rất mạo hiểm.
Lê Quảng (theo Reuters, VoR)