Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ
(BĐ) - Chiều 27.3, tại xã Ân Tín (Hoài Ân), HTX Nông nghiệp Ân Tín phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bình Định, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định, Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tổ chức hội nghị đầu bờ và nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện mô hình thứ hai về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với 3 giống lúa ĐT8, BĐR17 và ANS1 trong vụ Đông Xuân 2019-2020.
Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn giống lúa ĐT8, BĐR17 và ANS1.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ này được triển khai thực hiện từ tháng 12.2019 trên diện tích 2,6 hecta tại xứ đồng Soi Đập, thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín. Tham gia thực hiện mô hình, hộ nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật như: sử dụng giống lúa ANS1 và BĐR17 (do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo và chọn lọc), giống lúa ĐT8 (do Công ty CP giống cây trồng Trung ương lai tạo và chọn lọc), khi gieo dùng phương pháp gieo sạ lan, sử dụng phân hữu cơ vi sinh của Cơ sở cung cấp hữu cơ vi sinh mụn dừa Thanh Thanh (huyện Hoài Nhơn) và các chế phẩm sinh học cũng như tuân thủ quy trình kỹ thuật do Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định cung cấp trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa; tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Qua đánh giá thực tế ngay tại đồng ruộng, năng suất của mô hình trong vụ Đông Xuân 2019-2020 ước đạt 40-41 tạ/ha, cao hơn so với đợt đầu tiên chỉ có 35 tạ/ha. Sau khi đánh giá, phân tích các ưu, nhược điểm của 3 giống lúa, các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng: các giống lúa trên phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương, năng suất, hiệu quả tăng đáng kể so với lần đầu và các giống lúa đang sản xuất đại trà. Qua đó, đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh sớm xem xét hỗ trợ để xã mở rộng diện tích sản xuất và hướng đến phát triển các giống lúa trên thành lúa hữu cơ.
HỒNG HÀ