Mùa sứa trên đầm Thị Nại
Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, trên vùng đầm Thị Nại thuộc TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước, cứ tầm 3 - 8 giờ sáng, sứa (một loại đặc sản vùng đầm nước lợ) nổi lên mặt nước khá nhiều. Hàng trăm lao động sử dụng thuyền máy, thuyền nan, sõng tôn trang bị đèn sạc điện, vợt lưới ra đầm vớt sứa.
Sứa được vận chuyện từ ghe lên đổ vào thúng chai, bạt nhựa phơi nắng
Sứa vớt về có thương lái chờ trên bờ mua ngay, mỗi thùng sứa 20kg chưa qua chế biến bán 30.000 đồng. Sau khi mua, sứa được đem đổ vào hầm rộng 2 - 4m2, bên dưới có lót tấm nhựa trắng để tránh nước thẩm thấu vào trong đất. Khi nắng lên chừng 1 giờ, sứa sẽ chết và việc chế biến sứa thành phẩm cũng bắt đầu.
Chân sứa được cắt bỏ riêng (gọi là sứa chân), còn mình sứa cắt nhỏ từng miếng bằng cái tai (gọi là sứa tai) và bán với giá 80.000 đồng/kg sứa chân, 20.000 đồng/kg sứa tai. Sứa được các thương lái mua chở đi tiêu thụ ở các chợ, nhà hàng và bán lên các tỉnh Tây nguyên.
Anh Nguyễn Văn Thái, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) chuyên sử dụng ghe máy đi vớt sứa bộc bạch: Sứa xuất hiện rộ nhất là từ đầu tháng 2 âm lịch cho đến nay, cứ mỗi chuyến đi, 2 vợ chồng tôi vớt được 40 thùng sứa, khoảng 800 kg, giá bán 1.500 đồng/kg, thu được 1,2 triệu đồng. Có lúc sứa dày, mình vớt nhiều thu nhập khá hơn, có hôm cũng vớt được ít, nhưng trừ chi phí xăng dầu cũng kiếm ngày công.
Được biết, thời gian thu hoạch sứa thường kéo dài cho đến tháng 3 âm lịch, và khi có mưa dông sứa sẽ hết xuất hiện.
XUÂN THỨC