Những làng nghề ở An Nhơn
TX An Nhơn là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nhất tỉnh hiện nay. Những câu chuyện gắn bó, giữ nghề ông cha truyền lại của người dân nơi đây khiến ta săm soi sản phẩm truyền thống lâu hơn chút nữa, thấy bật lên từ đó tình cảm với quê hương. Tìm về tham quan làng nghề bạn sẽ nhặt được rất nhiều điều thú vị.
Người dân làng nghề bánh bún An Thái phơi bún trên bãi cát rộng lớn ven sông Côn.
Bắt đầu từ phường Đập Đá, chúng tôi tìm đến làng rèn Tây Phương Danh, có lịch sử hình thành từ cách đây hơn hai thế kỷ. Các cụ cao tuổi trong làng vẫn thích thú khi nhắc đến niềm tự hào thời ông cha họ đã làm các loại vũ khí sắc bén phục vụ đánh đuổi giặc ngoại xâm thời Tây Sơn, kháng chiến chống Pháp... Giờ đây sản phẩm chính của làng nghề phần nhiều là nông cụ. Và nông cụ mang nhãn hiệu Tây Phương Danh được mệnh danh là… hàng hiệu!
Có thể nói làng rèn Tây Phương Danh là “bảo tàng chuyên đề” về các loại nông cụ và đồ dùng sinh hoạt truyền thống, sản phẩm đa dạng mang giá trị rất riêng của sản phẩm rèn thủ công. “Gia đình tôi gắn bó nghề rèn đã ba đời và giỏi nhất là làm rựa. Thời ông nội làm sao thì đến giờ mình vẫn làm đúng vậy, các công đoạn làm nguội quan trọng đều làm hoàn toàn bằng tay chứ không dùng máy. Tất cả các chiếc rựa gia đình tôi làm ra đều khắc tên ông nội để vừa đánh dấu nhãn hiệu giàu uy tín vừa khẳng định nghề truyền thống vẫn đang được nối tiếp”, ông Văn Lợi (50 tuổi), chủ một lò rèn ở Tây Phương Danh hãnh diện kể. Rất nhiều người thợ của các nghề - may, nấu ăn, pha chế thịt… đến giờ vẫn chuộng sản phẩm thủ công có xuất xứ Tây Phương Danh dù so với những sản phẩm công nghiệp hình thức của chúng không đẹp bằng.
Cách làng rèn chỉ vài cây số, làng nghề bún tươi Ngãi Chánh (xã Nhơn Hậu) hiện có 73 hộ làm nghề gắn kết với nhau trong 20 cơ sở sản xuất. Sau khi xem các công đoạn làm bún tại cơ sở, khách sẽ được nghe chuyện thú vị về “bí quyết” làng nghề trong quá trình ngâm, ủ, xử lý gạo thành bột với thời gian kéo dài đến 7 ngày trước khi làm bún. Bún Ngãi Chánh thơm ngon hơn nơi khác, cầm cọng bún không dính tay, có thể để được 3 ngày trong điều kiện bình thường, vì sao lại được như vậy, mời bạn về tận nơi để nghe những người thợ bún nơi đây kể nhé. Cam đoan đó sẽ là những câu chuyện thú vị mà gần như bạn sẽ không tìm thấy được ở nơi khác. Không phải tự nhiên mà 20 cơ sở có quy mô hộ gia đình mà mỗi ngày lại đều đặn xuất ra thị trường tới 30 tấn bún đâu.
Khá gần làng bún là làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, với nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn. Ngoài các sản phẩm đa dạng của làng nghề như lục bình, bàn, ghế, tủ thờ, các loại đồ thờ cúng, tượng... được bày bán, khách còn có thể trực tiếp quan sát thợ lành nghề, bằng đôi bàn tay khéo léo tạo nên các sản phẩm chạm khắc tinh xảo. Có cơ sở chuyên nhận gỗ của khách để “thổi hồn” thành các bức tượng sống động.
Chế tác tượng ở cơ sở Thanh Tùng làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu.
Cách làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu gần chục cây số là một làng bún khác - làng bánh bún An Thái (xã Nhơn Phúc). Cũng làm bún nhưng An Thái chủ yếu làm bún khô, với nhiều loại bún gạo, bún mì, bún số 8, bún dong, bánh phở khô, bánh tráng... và đặc biệt nhất là bún Song Thằn nổi tiếng làm từ đậu xanh có hương vị thơm ngon đặc trưng. Sau khi tham quan các cơ sở sản xuất, khách tiếp tục đi dạo bộ ra thẳng bãi cát rộng và dài ven sông Côn, ngắm sân phơi “siêu khổng lồ” rực màu vàng, trắng của các loại bún, bánh được phơi trên hàng nghìn tấm phên. Nếu bạn là người mê chụp ảnh, bạn sẽ rất khó rời bãi cát ven sông này để tiếp tục hành trình.
Cơ sở sản xuất Ba Trương ở làng rượu Bàu Đá.
Rời làng bún bánh An Thái đi thêm khoảng 2 km là đến làng rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm (xã Nhơn Lộc), nơi sản xuất loại rượu rất nổi tiếng được giới sành rượu xưng tụng là một trong “tứ đại danh tửu” của Việt Nam. Hiện các cơ sở sản xuất trong làng có 3 loại rượu nếp, rượu gạo, rượu đậu xanh để khách phương xa lựa chọn mua về thưởng thức, hay làm quà tặng cho những người mê loại danh tửu này. Đi trên những nẻo đường làng Cù Lâm, bạn dễ được nghe người làng nghề thường kể nhiều về giai thoại xoay quanh nguồn nước nấu rượu và cách thức nấu rượu nghiêm cẩn đã làm nên chất lượng và danh tiếng của rượu Bàu Đá.
HOÀI THU