Làm khuyến học bằng cả tấm lòng
Ðều đặn 10 năm qua, cứ vào tháng 11, ông Phạm Hồng Cầu (quê ở huyện Hoài Nhơn, hiện sinh sống ở phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lại cùng vợ về Bình Ðịnh trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.
Học bổng Phạm Văn Trình được ông Cầu khởi xướng vào năm 2010 theo di nguyện lúc còn sống của cha mình là TS Phạm Văn Trình với mong muốn đền đáp ơn nghĩa với quê hương. Số tiền cấp học bổng là tiền tiết kiệm của vợ chồng ông Cầu cùng một số người thân trong gia đình.
Ông Phạm Hồng Cầu luôn thu xếp công việc để có mặt tại từng địa điểm, tận tay trao học bổng đến từng em học sinh khó khăn.
Ban đầu, ông Cầu chỉ trao học bổng ở huyện Hoài Nhơn và con em trong dòng họ Phạm. Đến năm 2013, ông phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh mở rộng đối tượng nhận học bổng là học sinh tiểu học, THCS, THPT có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.
Từ đó đến nay, Học bổng Phạm Văn Trình đã trao cho 2.765 học sinh nghèo với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, ông Cầu còn tặng đèn năng lượng mặt trời cho 50 học sinh vùng khó khăn (ưu tiên những em ở nơi chưa có điện).
Nhiều năm qua, Học bổng Phạm Văn Trình đều đặn đến với học sinh nghèo của tỉnh và ngày càng nhiều hơn. Từ 128 suất học bổng những năm đầu, số học bổng tăng lên 299 suất (năm 2016) rồi 404 suất (năm 2017), 494 suất (năm 2018) và 602 suất (năm 2019). Số tiền trao học bổng cũng tăng lên từ 600 nghìn đồng lên 800 nghìn đồng/học sinh tiểu học, từ 800 nghìn đồng lên 1 triệu đồng/học sinh THCS, học sinh THPT nhận 1,2 triệu đồng/suất. Theo hội khuyến học các huyện, Học bổng Phạm Văn Trình được trao gần dịp kết thúc học kỳ I giúp học sinh mua thêm sách, vở hoặc bộ quần áo đồng phục mới.
Bà La Mai Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vân Canh cho rằng, Học bổng Phạm Văn Trình có ý nghĩa rất lớn bởi học sinh khó khăn luôn cần được quan tâm, hỗ trợ liên tục, kịp thời nhất là với số em gặp biến cố đột xuất.
Với quan điểm “của cho không bằng cách cho”, dù việc trao học bổng những năm qua diễn ra tại các địa phương trong tỉnh, ông Cầu luôn thu xếp thời gian, công việc để tận tay trao từng suất học bổng và động viên, khích lệ các em học sinh nỗ lực vượt khó vươn lên. Đặc biệt trong năm 2019, những chiếc đèn năng lượng mặt trời ông tặng đã làm cho các em học sinh dân tộc thiểu số rất thích thú. Em Trần Văn Ái ở làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh), học sinh lớp 3A7 Trường Tiểu học xã Canh Liên cho biết, từ khi nhận đèn về, việc học bài vào buổi tối của em đạt hiệu quả cao hơn. Ái chia sẻ: “Bên cạnh chiếc đèn đầy hữu ích, thái độ ân cần đầy ấm áp của nhà tài trợ đã tạo ấn tượng mạnh trong em, truyền cảm hứng và khích lệ em cùng các bạn rất nhiều. Em hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để không phụ lòng nhà tài trợ và những người đã yêu thương, quan tâm đến em”.
Theo TS Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, 10 năm qua, tổng số tiền Học bổng Phạm Văn Trình trao hàng năm cho học sinh khó khăn trong tỉnh liên tục tăng - từ 400 triệu đồng/năm tăng lên 500 triệu đồng/năm rồi 600 triệu đồng/năm và trong năm 2020 này là 700 triệu đồng. Khác với mọi năm, lần trao học bổng sắp tới đây, ông Cầu còn tặng thêm bữa ăn sáng, hộp sữa cho mỗi em và tổ chức chương trình văn nghệ vui tươi chào đón các em.
TS Huỳnh Đăng Khanh cho biết thêm: “Ông Cầu làm nghề kinh doanh nên rất ngại việc người ta nghĩ mình lập học bổng để quảng bá tên tuổi, hình ảnh. Ông ấy bảo, mỗi khi nghe tôi kể chuyện em này em kia sau khi nhận Học bổng Phạm Văn Trình học tập tiến bộ là trong lòng thấy rất vui. Đó cũng là động lực duy nhất để ông và những người thân trong gia đình nỗ lực làm việc, kinh doanh thật hiệu quả để có thêm tiền, trao thêm học bổng cho các em. Bởi cũng như cha mình, ông Cầu nghĩ rằng, không cho các em học sinh khó khăn cái gì tốt hơn là những con chữ. Các em học tập tốt để có tri thức, hiếu biết, để sống tốt, làm việc hiệu quả, có tương lai tốt đẹp và góp sức mình xây dựng xã hội, đất nước giàu đẹp, văn minh hơn”.
Trong những lần ông Cầu và vợ về Bình Định trao học bổng gần đây còn có sự xuất hiện của con trai ông - anh Phạm Dương Hồng Ngọc. Ông Cầu tính, sau này mình già yếu không đi trao học bổng được nữa thì anh Ngọc sẽ thay ông, tiếp tục đưa Học bổng Phạm Văn Trình đến với học sinh khó khăn của quê cha đất tổ.
NGỌC TÚ