Kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia: Gỡ nút thắt, tăng tiện ích
Thực hiện hiệu quả các phần việc liên quan đến triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ tăng tiện ích, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức.
Tăng tiện ích
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chuẩn hóa thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC liên thông để thiết lập quy trình điện tử và hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh phục vụ cho việc kết nối, tích hợp với Cổng DVCQG theo quy định.
Với nhiều TTHC được cung cấp trực tuyến trên Cổng DVCQG, người dân vùng xa sẽ giảm thời gian đến giao dịch tại cơ quan hành chính.
- Trong ảnh: Người dân thực hiện TTHC ở bộ phận một cửa của UBND xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh.
Kết quả, đã xây dựng hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã; tích hợp với Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để cung cấp thông tin về TTHC, công khai tình hình giải quyết hồ sơ TTHC theo quy định. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 204 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 81 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, từ ngày 20.3, 11 TTHC mới được bổ sung trên lĩnh vực hộ tịch sẽ được thực hiện trực tuyến mức độ 3.
Thực hiện quy định của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh phối hợp VNPT Bình Định rà soát 2.033 TTHC của tỉnh, đã thực hiện “địa phương hóa”, công khai 1.723 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 20 sở, ban, ngành thuộc tỉnh trên Cổng DVCQG.
Ngày 24.3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục 65 dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG năm 2020. Trong đó có 8 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công liên quan đến một số chỉ số môi trường kinh doanh; có 57 dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ công thiết yếu, số lượng đối tượng thực hiện cao.
Bên cạnh đó, ngày 20.3, UBND tỉnh ban hành danh mục 16 TTHC thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp trên Cổng DVCQG (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn). Trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực hộ tịch với 11 TTHC; tiếp đó là lĩnh vực lý lịch tư pháp 3 TTHC; xúc tiến thương mại và đường bộ, mỗi lĩnh vực 1 TTHC. Có 15 TTHC cung cấp ở mức độ 3, 1 TTHC cung cấp ở mức độ 4.
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình, Văn phòng đã phối hợp với VNPT Bình Định và cán bộ Văn phòng Chính phủ triển khai, hoàn thành việc nâng cấp cấu hình và tích hợp thành công toàn bộ 16 TTHC. Qua đó, đảm bảo công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên Cổng DVCQG.
Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện An Lão Đặng Trung Du cho rằng, việc cung cấp rộng rãi dịch vụ công trực tuyến có ý nghĩa rất lớn, nhất là với người dân ở xa trung tâm hành chính cần thực hiện các TTHC liên quan đến hộ tịch. “Chúng tôi chú trọng hướng dẫn người dân thao tác trên máy tính có kết nối mạng để thực hiện các thủ tục phổ biến như đăng ký khai sinh, không cần cất công đi lại. Bà con rất phấn khởi!”, ông Du chia sẻ.
Cần gỡ nút thắt
Bên cạnh nhiều ưu điểm nổi bật, quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác triển khai Cổng DVCQG đã bộc lộ nhiều hạn chế cần tháo gỡ.
Theo Phó trưởng Phòng Kiểm soát TTHC (Văn phòng UBND tỉnh) Lê Dũng Linh, hiện nay, căn cứ pháp lý của rất nhiều TTHC đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác đã có hiệu lực thi hành. Song, các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC, gây khó khăn cho các địa phương trong công tác xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, các Sở GTVT, KH&ĐT, Tư pháp đang sử dụng phần mềm chuyên ngành do bộ chủ quản cung cấp triển khai để quản lý hồ sơ TTHC nhưng chưa tích hợp được với phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý dữ liệu hồ sơ TTHC. Từ đó ảnh hưởng đến thời gian, nguồn lực khi đội ngũ công chức, viên chức phải nhập dữ liệu đồng thời trên 2 hệ thống phần mềm.
“Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ nên công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC đang được đẩy mạnh và ngày càng phổ biến, nhưng cơ sở pháp lý cho vấn đề này còn chưa được hoàn thiện. Chúng tôi đã đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử”, ông Nguyễn Thái Bình cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG