Ðổi thay ở một xã anh hùng
Trong những ngày cuối tháng 3 lịch sử, khi cả huyện Tuy Phước và tỉnh Bình Ðịnh chào mừng 45 năm giải phóng quê hương (31.3.1975 - 31.3.2020), tôi có dịp trở lại xã Phước Hưng anh hùng. Mảnh đất năm xưa hoang tàn bởi bom đạn chiến tranh, nay đã được thay áo mới.
Nông dân xã Phước Hưng sử dụng cơ giới thu hoạch lúa.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp với các LLVT của huyện, tỉnh và quân khu tổ chức hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ gây cho địch nhiều tổn thất… Bị thua đau, ngày 23.3.1966, tại Am Sát Luyến thôn Nho Lâm, lính Nam Triều Tiên đã thảm sát 144 đồng bào vô tội. Biến căm thù thành sức mạnh, quân và dân Phước Hưng đã chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy hàng trăm trận càn quét của địch, giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày toàn thắng. Ngày 5.8.2003, Phước Hưng là xã đầu tiên của huyện Tuy Phước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Tổng kết 2 cuộc kháng chiến, xã có 78 thương binh, 7 bệnh binh, 225 liệt sĩ, 23 mẹ Việt Nam anh hùng; được Nhà nước tặng thưởng 8 Huân chương Độc lập (chống Mỹ), 43 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 38 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 146 Huân chương Chiến công hạng Ba, 90 Huy chương Kháng chiến các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Chiến tranh kết thúc, để lại nhiều hậu quả nặng nề. Kinh tế nghèo nàn, sản xuất lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã đoàn kết một lòng, đặc biệt là từ khi chung sức xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Phước Hưng đã từng bước thay da đổi thịt. Ông Lê Văn Hào (83 tuổi), một cán bộ cách mạng lão thành, cảm nhận: Trong chiến tranh chống Mỹ, nhà cửa bị bom đạn tàn phá hết, ruộng đồng hoang hóa hố bom, hố pháo, đường sá không có gì cứ băng ruộng mà đi. So sánh lúc đó mới thấy hôm nay đổi thay gấp hàng trăm lần. Giờ toàn đường nhựa, đường bê tông, nhà cửa khang trang sạch đẹp.
Địa phương đã huy động nguồn lực XDNTM trên 101 tỷ đồng, trong đó riêng nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng, 13.902 m2 đất ở, đất ruộng để xây dựng giao thông và kênh mương. Nhờ vậy, đến nay xã đã có gần 51,5 km đường nhựa và đường bê tông, 15,2 km đường nội đồng được “cứng hóa”, đạt 100%. Và 100% số thôn có nhà văn hóa và sân thể thao, có 97% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 100% thôn văn hóa và xã đạt xã văn hóa 4 năm liền (2016 - 2019)…
Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, khẳng định rằng: Phước Hưng bứt phá mạnh mẽ từ khi bắt tay XDNTM năm 2011 và đến năm 2015 về đích. Có thể khẳng định, qua mỗi chặng đường, xã đều đạt được những thành quả đáng phấn khởi. Với những thành tích đạt được, xã đang đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới” giai đoạn 2009 - 2019. Và Phước Hưng cũng đang đẩy mạnh XDNTM nâng cao, phấn đấu về đích vào cuối năm nay và phấn đấu về đích XDNTM kiểu mẫu vào năm 2025”.
XUÂN THỨC