Sử dụng vũ khí địch tiêu diệt địch
Qua 28 ngày đêm chiến đấu liên tục trên chiến trường Bình Định (từ ngày 4.3 đến 1.4.1975), quân và dân Bình Định đã loại ngoài vòng chiến đấu trên 72.000 tên địch. Thu 20.000 khẩu súng các loại, trong đó có 47 khẩu pháo hạng nặng, 40 máy bay, 200 xe quân sự. Chính những loại vũ khí trang bị này đã giúp ích rất lớn cho quân và dân ta trong ngày giải phóng TX Quy Nhơn.
Chiếc M113 trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Cờ Mặt trận giải phóng đã tung bay trên nóc Tòa nhà thị chính ngụy quyền tỉnh lúc 24 giờ ngày 31.3.1975. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chấm dứt. Sư đoàn 22 ngụy bị Sư đoàn 3 cùng quân và dân địa phương đánh tơi bời trên đường 19, mất sức chiến đấu. Đêm 31.3.1975, chúng gom trên 6.000 tên, 300 xe quân sự, hàng chục khẩu pháo hạng nặng, tập trung tại cầu Bà Gi tổ chức lại lực lượng để sáng 1.4.1975 liều mạng mở đường máu tháo chạy xuống Quy Nhơn tìm lối thoát ngắn nhất bằng đường biển.
Nắm được âm mưu của địch, Sở chỉ huy tiền phương chủ trương đánh sập cầu Sông Ngang, buộc địch phải chạy vòng qua đường Quang Trung (nay là đường Tây Sơn), nơi có địa hình thuận lợi được Tiểu đoàn 52 bày sẵn trận địa phục kích tiêu diệt địch, không cho địch tiến thẳng vào trung tâm thị xã để hạn chế mức độ tàn phá. Ông Trần Minh Hoàng (72 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 51, cho biết: Đại đội 1 của Tiểu đoàn 51 làm nhiệm vụ khóa đuôi, khi 2 chiếc M113 cuối cùng trong đội hình của địch lọt vào trận địa phục kích, các chiến sĩ B40, B41 nổ súng, tên lái xe thứ nhất hốt hoảng giơ tay đầu hàng, tên lái xe thứ hai thấy vậy cũng vội vàng đầu hàng. Đồng chí Vũ An Quang, Chính trị viên đại đội liền tiếp cận và bắt tên lái xe của địch hướng dẫn cách sử dụng; đồng chí Phạm Cự, Đại đội phó lái chiếc xe M113 thứ hai, hai đồng chí sử dụng xe của địch để tiếp tục truy kích địch trên đường tháo chạy.
Khẩu pháo 105 đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Vì quân địch quá đông, một số bộ phận đã vượt qua được các trận địa phục kích của ta. Lúc này, ngoài khơi biển Quy Nhơn có khoảng 30 tàu thuyền của địch đang chờ sẵn để đón lực lượng này. Tiểu đoàn 73 được lệnh của Ban Chỉ huy tỉnh đội, đã triển khai nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Hữu Cối, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, chỉ huy bộ đội cơ động lên cứ điểm của địch đã tháo chạy ở núi Một (thuộc phường Đống Đa). Tại đây, ta thu được 2 khẩu pháo 105 của địch và sử dụng dội đạn tới tấp vào đoàn tàu hải quân địch đang đậu ngoài khơi biển Quy Nhơn, 13 chiếc chìm tại chỗ, số còn lại bỏ chạy.
Cuộc chiến đấu quyết liệt trên bờ kéo dài suốt 7 tiếng đồng hồ. Các đơn vị khép chặt vòng vây, vừa đánh vừa kêu gọi địch đầu hàng. Đến 16 giờ ngày 1.4, tiếng súng mới hoàn toàn chấm dứt.
Sau khi giải phóng TX Quy Nhơn, Quân khu đã điều động 1 chiếc xe M113 giao cho đơn vị Sư đoàn 3 đưa vào biên chế tiếp tục hành quân vào Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiếc M113 còn lại và khẩu pháo 105 ta thu được của địch hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
BÙI QUỐC SỰ