Thể thao Bình Ðịnh sau ngày thống nhất đất nước: Quan tâm xây dựng cơ sở vật chất
Gần nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, diện mạo của thể thao Bình Ðịnh đã khác xưa rất nhiều. Tuy nhiên, những ký ức về những năm tháng gian khó nhưng cũng đầy tự hào đó vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người.
Sân vận động Quy Nhơn từng là nơi tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa của tỉnh.
- Trong ảnh: Trận đấu giữa đội Cựu cầu thủ Bình Định và Cựu tuyển thủ Việt Nam thế hệ vàng diễn ra tháng 11.2019 thu hút đông đảo khán giả đến theo dõi.
Lúc mới giải phóng, cả tỉnh tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, bộ máy quản lý ngành TDTT từ tỉnh xuống huyện chưa được thành lập. Quy mô hoạt động TDTT chủ yếu tổ chức trong phạm vi TX Quy Nhơn và một số huyện lân cận, trong đó An Nhơn là nòng cốt. Dẫu vậy, được Ủy ban Cách mạng tỉnh chủ trì, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tỉnh đội phối hợp tổ chức đợt hoạt động TDTT chào mừng 30 năm Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.1975). Nội dung thi đấu gồm 3 môn: Bóng đá, bóng chuyền và bóng bàn. Thời gian thi đấu từ ngày 19.8 đến 2.9, tại An Nhơn (lượt đi) và Quy Nhơn (lượt về). Từ ngày khai mạc đến khi kết thúc khán giả đều đến xem rất đông, cổ vũ nhiệt tình cho các đội thi đấu.
Thời điểm đó, cơ sở vật chất dành cho thể thao hầu như không có gì ngoài vài khoảnh sân trống được người dân lấy làm nơi đá bóng. Cựu cầu thủ đội Công nhân Nghĩa Bình Nguyễn Thanh Hà (thường được biết đến với tên gọi Sơn “địa”) cho biết: Hồi đó ngoài sân bóng đá hiện là sân vận động Quy Nhơn (còn là sân đất), thị xã còn một số sân như: Sân Cảng Quy Nhơn, sân Trường ĐH Quy Nhơn, sân hiện nay là Công viên Thiếu nhi, sân Quân y viện 13… Phong trào chơi bóng đá ở Quy Nhơn sau giải phóng mạnh hơn rất nhiều so với trước đó. Nhiều đội bóng phong trào được thành lập, các phường tổ chức giải có bán vé nhưng khán giả đến xem rất đông.
Để kiện toàn đội ngũ cán bộ TDTT, tháng 6.1975, Tổng cục TDTT cử đoàn cán bộ vào tiếp quản và bắt đầu xây dựng ngành TDTT cách mạng các tỉnh miền Nam, trong đó, đồng chí Lê Thì (cán bộ tập kết, quê huyện Tuy Phước) được bố trí về công tác tại Bình Định. Một trong những công việc đầu tiên được tỉnh quan tâm là thi công xây dựng, nâng cấp sân vận động Quy Nhơn theo trình tự vừa cải tạo vừa xây dựng mới một số hạng mục công trình để kịp thời phục vụ cho luyện tập và tổ chức thi đấu các môn thể thao. Sau khi tiến hành xây dựng tường bao quanh và các cổng chính, phụ, lần lượt các khán đài B, A rồi C, D được xây dựng. Cùng với đó, Nhà thi đấu thể thao trong khuôn viên sân vận động Quy Nhơn cũng được cải tạo, sau đó được đăng cai tổ chức Giải bóng bàn toàn quốc năm 1977.
Đến khoảng giữa năm 1978, công trình sân vận động Quy Nhơn cơ bản hoàn thành, với sức chứa khoảng 25.000 chỗ ngồi. Ngày 15.8.1980, tỉnh khởi công xây dựng công trình dàn đèn chiếu sáng ở 4 góc sân. Đúng dịp kỷ niệm 36 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945 - 1981), trận đấu bóng đá đêm đầu tiên giữa đội CA Nghĩa Bình và CA Hà Nội đã diễn ra, thu hút hơn 2 vạn khán giả đến xem. Sân Quy Nhơn khi đó là sân thứ 3 (sau TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) có dàn đèn phục vụ đá đêm. Không chỉ phục vụ thi đấu bóng đá, võ thuật…, trong nhiều năm, sân vận động Quy Nhơn còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.
Một trong những công trình ở Bình Định khi đó khiến nhiều địa phương “xuýt xoa” là hồ bơi tiêu chuẩn quốc tế, với 8 làn bơi, hệ thống cung cấp và xử lý nước tốt, khán đài. Công trình xây dựng hồ bơi được khởi công tháng 7.1985, hoàn thành sau đúng 1 năm. Đến tháng 7.1986, Bình Định được đăng cai Giải bơi lội toàn quốc, thu hút 24 đoàn tham gia. Ông Đinh Khắc Diện, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Sau khi hoàn thành, hồ bơi của Bình Định được coi là hiện đại nhất trong cả nước. Vì vậy, trong 4 - 5 năm liền, nơi đây được chọn để tổ chức giải vô địch bơi lội toàn quốc”.
Nhờ sớm sở hữu những công trình chất lượng, thể thao Bình Định sớm bắt nhịp, hòa cùng thể thao cả nước, giành được nhiều thành tích đáng khích lệ. Cùng với đó, phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ cũng được nhân rộng. Nhiều địa phương, đơn vị, trường học đã dành sự quan tâm nhiều hơn cho các hoạt động thể thao, qua đó ngày càng phát hiện, đào tạo nên nhiều VĐV xuất sắc cho thể thao tỉnh nhà.
HOÀNG QUÂN