Văn nghệ quần chúng sau giải phóng: Cất cao tiếng hát mừng giải phóng
Trong niềm vui chung sau ngày giải phóng tỉnh Bình Ðịnh và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh diễn ra rất sôi nổi. Ði đầu trong phát triển phong trào là ở Quy Nhơn.
Nhạc sĩ Hữu Thuần (thứ hai từ phải sang ở hàng đầu tiên), Lý Anh Võ (đầu tiên từ trái sang ở hàng cuối) đã có nhiều đóng góp trong việc truyền dạy các em học sinh có năng khiếu âm nhạc ở Quy Nhơn sau ngày giải phóng.
Thầy giáo Lý Anh Võ (63 tuổi, nguyên giảng viên môn âm nhạc tại Trường CĐ Bình Định) là hạt nhân nổi bật trong phong trào văn nghệ quần chúng sau ngày giải phóng, bởi sự đa năng có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ, hát hay, khả năng sáng tác. Thầy Võ hào hứng chia sẻ: Các đội văn nghệ quần chúng ở TX Quy Nhơn khi ấy nở rộ như một vườn hoa đa sắc, từ các phường, xã đến cơ quan, công ty rồi trường học và cả nhiều HTX cũng có đội văn nghệ... Tất cả nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, nhân dân, người lao động, góp phần cổ vũ mọi người thêm hăng hái chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
“Sinh hoạt, sáng tác, biểu diễn ngày ấy cứ rừng rực lên, ai cũng dốc sức vì sự nghiệp chung, hồ hởi và tràn đầy nhiệt huyết. Những năm tháng ấy thật sự là một quãng đời rất đẹp của bất cứ ai đã góp sức vào sự nghiệp chung.”
Thầy Võ kể: “Khi ấy tôi còn là sinh viên và được giao làm trưởng ban văn nghệ của Trường CĐ Sư phạm Quy Nhơn, bên Công đoàn tỉnh đề nghị Trường cho sinh viên tập tiết mục đồng ca lên đến 600 người để biểu diễn mở màn trong chương trình văn nghệ chào mừng ngày lễ lớn của đất nước tại khu vực ngoài trời trước Hội trường Quang Trung. Chúng tôi đứng thành nhiều hàng dài trên bậc tam cấp của hội trường, 600 con người hãnh diện cất cao tiếng hát ngợi ca Đảng, ngợi ca Bác Hồ và Tổ quốc Việt Nam đã liền một dải non sông gấm vóc. Tiếng hát của chúng tôi vang vọng cả một khu vực rộng lớn. Nhiều khán giả sau đó nói đùa là đi xem ca sĩ đứng hát “sập sân khấu”. Diễn xong được nhận ngay tiền bồi dưỡng 240 đồng, chia đều ra mỗi sinh viên được 4 hào... Nhưng nói thật là ngày ấy được hát trong không gian ấy là một niềm tự hào, vinh dự rất lớn, tôi kể cho bạn nghe đây mà còn xúc động như mới vừa hát hôm qua!”.
Một thời tuổi trẻ hào hứng tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ở Quy Nhơn, nhạc sĩ Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, vẫn nhớ rõ về Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh lần đầu tiên được tổ chức vào dịp kỷ niệm 86 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.1976). “Các địa phương, đơn vị được yêu cầu phải tổ chức hội diễn ở cơ sở để chọn tiết mục về tham gia hội diễn tỉnh. Quy Nhơn tổ chức hội diễn cơ sở trong dịp cuối năm 1975, qua đó chọn ra được dàn diễn viên, nhạc công đặc sắc: Lý Anh Võ (phường Trần Phú), Lan Phương, Nguyệt Ánh (phường Lê Lợi), Thế Tuyên, Kim Long, Thanh Cảm, Ly Châu (phường Lê Hồng Phong)…, anh em nhạc công Châu Đức Khánh, anh em nhạc công Kỳ Phùng (phường Trần Hưng Đạo). Đặc biệt, bài hát “Chào Quy Nhơn hòa bình” của Châu Đức Khánh với 100 người hát được chọn làm bài hợp xướng khai mạc hội diễn...”, nhạc sĩ Thế Tuyên kể.
Là hạt nhân tích cực đóng góp gầy dựng phong trào văn nghệ quần chúng sau giải phóng, nhạc sĩ - thầy giáo Hữu Thuần (72 tuổi, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Bình Định) hồi tưởng: “Ngay mùa hè năm 1976, Ty Văn hóa - Thông tin Nghĩa Bình đã mở lớp học về âm nhạc, hội họa đầu tiên cho học sinh ở TX Quy Nhơn tại Trường PTCS Lê Hồng Phong. Về các lớp âm nhạc có tôi và các thầy: Nguyễn Văn Xứng, Vũ Phan Long, Châu Đức Khánh đứng lớp; các em đến học rất đông. Đến Trung Thu năm 1976, hai anh Lê Nghĩa và Lý Anh Võ đã vận động các anh em cùng chung tay đóng góp để cho ra đời tập nhạc thiếu nhi đầu tiên của tỉnh, với nhiều ca khúc của các nhạc sĩ trong tỉnh như: Bùi Tuyên Đông, Châu Đức Khánh, Lý Anh Võ, Đỗ Khoa Tân, Phan Long Nhơn... Sau đó, còn tổ chức tập huấn cho giáo viên âm nhạc các trường về các ca khúc trong tập nhạc để về dạy lại cho học sinh!”.
Hoạt động tại các thiết chế văn hóa của TX Quy Nhơn cũng hết sức sôi nổi. Từ năm 1978, tại Nhà văn hóa Thiếu nhi Quy Nhơn (đường Nguyễn Huệ), Thị đoàn, Hội LHTN TX Quy Nhơn bắt đầu tổ chức chương trình “Tuổi trẻ hát” phát huy hiệu quả trong gầy dựng phong trào văn nghệ quần chúng. Tham gia tổ chức chương trình vào sáng Chủ nhật hằng tuần (được duy trì trong mấy năm liền) là các nhạc sĩ Bùi Tuyên Đông, Lý Anh Võ, Nguyễn Hữu Thuần cùng phân chia nhiệm vụ, thực hiện tìm kiếm các ca khúc mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước... của các nhạc sĩ trong cả nước để in ấn, phổ biến, dạy hát không chỉ cho lực lượng ĐVTN mà nhiều cơ quan, đơn vị cũng cử người đến học. Hội trường Nhà văn hóa luôn ngập tràn tiếng hát, rộn rã niềm vui vào sáng cuối tuần.
Cũng trong những năm cuối thập niên 70, Nhà văn hóa TX Quy Nhơn (di tích đình Cẩm Thượng, đường Trần Hưng Đạo) mỗi tuần duy trì tổ chức đến 6 đêm ca múa nhạc có bán vé. Đêm nào cũng rất đông khán giả, có người phải leo lên cả bờ tường Nhà văn hóa để xem.
“Nòng cốt trong chương trình hằng đêm tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Quy Nhơn là ban nhạc Biển Xanh, đồng thời chúng tôi còn mời thêm một số thành viên Đoàn ca múa nhạc Chim Yến của tỉnh, rồi nhiều hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng ở các phường khi ấy tham gia biểu diễn, đảm bảo chất lượng chương trình tổ chức liên tục. Còn tại CLB Lao động (đường Trần Cao Vân) mỗi tuần hai đêm cũng có lớp dạy nhạc lý cơ bản cho mọi người, đồng thời tổ chức cho đội văn nghệ của các cơ quan, đơn vị đến biểu diễn....”, nhạc sĩ Hữu Thuần bồi hồi nhớ lại.
Sinh hoạt, sáng tác, biểu diễn ngày ấy cứ rừng rực lên, ai cũng dốc sức vì sự nghiệp chung, hồ hởi và tràn đầy nhiệt huyết. Những năm tháng ấy thật sự là một quãng đời rất đẹp của bất cứ ai đã góp sức vào sự nghiệp chung.
HOÀI THU