Mỹ thuật Bình Định - Ngày ấy, bây giờ
Từ vài họa sĩ, nhà điêu khắc ban đầu sau năm 1975, đội ngũ nghệ sĩ tạo hình Bình Ðịnh đã lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho đời sống nói chung và đời sống nghệ thuật của quê hương nói riêng.
Tác giả bài viết và họa sĩ Lương Lu (bên trái) tại tư gia ở huyện Vĩnh Thạnh.
Bình Định từng được mệnh danh là “Cái nôi của Mỹ thuật miền Trung”. Có điều này là vì ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, trên vùng trung du Hoài Ân, chính quyền cách mạng non trẻ đã cho khai sinh khóa Mỹ thuật Kháng chiến đầu tiên do danh họa - nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung (nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam đầu tiên) trực tiếp đào tạo. Trong số các học viên của khóa học nổi tiếng này có 1 người con quê hương Bình Định là họa sĩ Vũ Trung Lương, nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Huế, Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam.
Sau năm 1975, lực lượng nghệ sĩ tạo hình ở Bình Định gần như chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, như: Bùi Sỹ Hinh, Lương Lu, Vũ Xuân Trường, Nguyễn Thị Đến, Phạm Đình Khương, Nguyễn Anh Hộ… Ít lâu sau đó, Bình Định được bổ sung lực lượng, trong đó đáng kể có các họa sĩ: Phan Thị Lan Hương, Trần Văn Quân... Tiếp đó là lực lượng khá hùng hậu xuất thân từ “lò Mỹ thuật Huế”, như: Phan Chy (họa sĩ, giảng viên), Nguyễn Quốc Hùng, Lê Duy Hồng, Phan Văn Sanh, Lê Thị Tuấn, Lê Thưởng, Cao Bá Đạt, Nguyễn Hồng Sơn, Văn Ngọc Thiện, Hồ Minh Quân, Nguyễn Đình Việt, Trần Đình Tấn, Nguyễn Chơn Hiền, Lê Duy Khanh, Nguyễn Tuấn Sơn, Phạm Đình Nam, Nguyễn Hồng Hải…
Tuy nhiên, khá nhiều năm sau ngày hòa bình, nhất là giai đoạn bao cấp, hoạt động mỹ thuật ở Bình Định gặp nhiều khó khăn nên khá trầm lặng. Ngay tại TP Quy Nhơn cũng rất hiếm những triển lãm mỹ thuật được tổ chức. Có chăng là việc xây dựng một vài công trình tượng đài, nhưng cũng do nghệ sĩ ở địa phương khác thực hiện. Đơn cử như tượng đài Quang Trung ở TP Quy Nhơn do nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh thực hiện, tượng đài “Chiến thắng Quy Nhơn”, “Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu” là tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Tía.
Có thể nói, hoạt động của mỹ thuật Bình Định bắt đầu khởi sắc là từ năm 1986. Với nỗ lực rất lớn của tỉnh và ngành Văn hóa - Thông tin cùng với cố gắng của nhiều nghệ sĩ, nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật được tổ chức. Tiêu biểu trong số này các cuộc Triển lãm tranh của nhóm họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, Nguyễn Tuấn Sơn (1986); Triển lãm cá nhân của họa sĩ Bùi Sỹ Hinh (1989); Triển lãm tranh lụa, sơn dầu, đồ họa của họa sĩ Vũ Trung Lương (1990); Triển lãm “Mỹ thuật Mùa Xuân - 1991”... Trong đó, dấu ấn đáng nhớ nhất là Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ I - 1989. Những cuộc triển lãm mỹ thuật này giống như chất xúc tác đối với phong trào sáng tác mỹ thuật Bình Định. Nhiều cuộc triển lãm cá nhân được tổ chức, trong đó có những triển lãm tranh của các họa sĩ: Phan Thị Lan Hương, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Chơn Hiền, Phương Nam…
Đáng lưu ý, sau các nghệ sĩ tạo hình Bùi Sỹ Hinh, Lương Lu, Vũ Xuân Trường, đội ngũ nghệ sĩ tạo hình Bình Định ngày càng phát triển. Hàng loạt họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc của tỉnh đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, như: Hồ Minh Quân, Phan Thị Lan Hương, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Chơn Hiền, Lê Kỳ, Lê Thưởng, Lê Duy Hồng, Lê Duy Khanh, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Cần, Trần Tuấn, Giang Minh Hoàng, Lê Thị Tuấn, Nguyễn Thế Trường... Chính động thái này đã động viên nhiều họa sĩ sáng tạo và truyền cảm hứng cho nhau cùng sáng tạo. Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa, Chi hội trưởng Chi Hội Mỹ thuật (Hội VH&NT tỉnh), cho biết: Chi hội chúng tôi hiện có 28 hội viên thì trong đó có gần một nửa là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bình Định cũng là một trong số những tỉnh, thành ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên có số lượng hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiều nhất. Và, điều đáng ghi nhận là từ “thân phận tỉnh lẻ”, giờ đây mỹ thuật Bình Định đã phát triển lớn mạnh, từng bước hội nhập dòng chảy chung của đời sống nghệ thuật. Theo đó, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, các nghệ sĩ tạo hình Bình Định đã đoạt được 1 giải B, 5 giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực V; 1 giải ba tranh cổ động do Bộ VH-TT&DL và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức... Và điều đáng ghi nhận là các tác phẩm ngày càng gần gũi với đời sống hơn, các nghệ sĩ lắng nghe, quan sát, ghi nhận và chắt lọc chất liệu từ cuộc sống bộn bề và truyền tải lên tác phẩm của mình. Có thể nhìn thấy rất nhiều hứa hẹn trong đời sống nghệ thuật từ động thái này.
VIẾT HIỀN