Kiến nghị xuất khẩu gạo lại với hạn mức 400.000 tấn/tháng
Báo cáo số 2237/2020 của Bộ Công Thương nêu rõ trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, trong đó vụ đông xuân sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, sản lượng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt 10,8 triệu tấn.
Kiến nghị xuất khẩu gạo lại với hạn mức 400.000 tấn/tháng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại năm 2020 không đáng kể do chỉ đạo xuống giống sớm. Bên cạnh đó, vụ đông xuân được mùa, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha nên bù đắp được tác động do hạn mặn gây ra. Sản lượng thóc gạo tại ĐBSCL dự kiến bằng với năm 2019.
Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đến ngày 27.3.2020, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao từ nay đến 31.5 là gần 1,4 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên (60/92 hội viên) là 1,65 triệu tấn.
Tính cả doanh nghiệp ngoài hiệp hội có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công Thương thì tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo.
Từ kết quả rà soát và các ý kiến của các tỉnh, thành ĐBSCL, các doanh nghiệp, Bộ Công Thương chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu. Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4 và tháng 5/2020 vào khoảng 800.000 tấn. Theo đó, trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.
Bộ Công Thương cũng đề xuất chỉ cho xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế nơi có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan có thể theo dõi và phản ảnh theo thời gian thực. Bộ Công thương chỉ đạo Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đề phòng ngừa, xử lý nghiêm buôn lậu gạo qua biên giới.
Để đảm bảo lưu thông trong nước, 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện thỏa thuận, được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp của doanh nghiệp.
Theo Phương Hoài/VOV.VN