Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn
Bên lề Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong điều kiện thời tiết khô hạn, do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Quy Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chia sẻ với PV Báo Bình Ðịnh các biện pháp phòng chống hạn tại tỉnh.
● Thưa đồng chí, mới đầu mùa khô nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh…
- Đến nay tỉnh ta xác định chắc chắn có 6.170 hộ dân tại các xã: Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ); Ân Tín, Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân); Canh Thuận, Canh Hiệp (huyện Vân Canh); Bình Thuận (huyện Tây Sơn) đang bị thiếu nước sinh hoạt. Phần lớn các hộ bị thiếu nước sinh hoạt là do năng lực của một số công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) tại các địa phương còn hạn chế, nhiều công trình bị hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời, nên không thể cấp đủ nước sinh hoạt cho dân. Nếu không có biện pháp tích cực, sẽ có thêm 9.705 hộ dân tại các xã: Cát Tường (huyện Phù Cát); Mỹ Châu, Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ) và Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) bị thiếu nước sinh hoạt.
● Kế hoạch cấp nước sinh hoạt cho dân ở những vùng gặp khó khăn như thế nào, thưa đồng chí?
- UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chỉ đạo đơn vị trực thuộc nâng cao năng lực cấp nước của các CTCNTT đã xây dựng, nhanh chóng bổ sung nước sinh hoạt cho người dân ở các xã: Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước). Huyện Phù Mỹ đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa các CTCNTT tại các xã Mỹ Châu và Mỹ Phong; mở mạng đường ống dẫn nước từ công trình cấp nước thị trấn Phù Mỹ về xã Mỹ Chánh Tây, đồng thời sử dụng xe chuyên dùng vận chuyển nước đến cấp cho dân ở các xã: Mỹ Chánh, Mỹ Cát. Huyện Phù Cát nhanh chóng lựa chọn và giao đơn vị quản lý vận hành sớm phát huy tác dụng của hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Cát Tường. Ngành chức năng của tỉnh và huyện Vân Canh phối hợp lấy nước thô từ sông Hà Thanh bổ sung cho công trình cấp nước Suối Phướng, để có nước cho người dân sử dụng. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch tiết kiệm, tận dụng nguồn nước giếng đào, giếng khoan hợp vệ sinh.
● Đồng chí có thể chia sẻ phương án sản xuất vụ Hè Thu trong điều kiện nắng hạn?
- Hiện lượng nước tại 165 hồ chứa trong tỉnh chỉ còn hơn 327 triệu m3, đạt 55,6% dung tích thiết kế, bằng 78,4% so cùng kỳ năm 2019. Lượng nước hiện có chỉ có thể đảm bảo tưới suốt vụ cho hơn 43.000 ha cây trồng vụ Hè Thu; hơn 2.000 ha khác có khả năng thiếu từ 2 - 3 đợt tưới vào cuối vụ; hơn 2.000 ha sẽ phải bỏ không do thiếu nước. Để hạn chế rủi ro, đảm bảo hiệu quả sản xuất, UBND tỉnh yêu cầu sử dụng các giống lúa ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao, đẩy lịch gieo sạ vụ Hè Thu sớm hơn các năm trước từ 5 - 10 ngày, thu hoạch xong lúa Đông Xuân đến đâu tiến hành cải tạo ruộng đồng, xuống giống đến đó; đảm bảo kết thúc gieo sạ vụ Hè trước ngày 10.4, tập trung gieo sạ vụ Thu từ ngày 1 - 10.5.
Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2019 - 2020, nông dân huyện Tuy Phước tiến hành cải tạo ruộng đồng để gieo sạ lúa Hè Thu.
Vụ này, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phấn đấu chuyển đổi trên 4.300 ha đất sản xuất lúa không đảm bảo được nước tưới sang sản xuất cây trồng cạn, chuyển đổi 1.459 ha đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ/năm. Ngành Nông nghiệp xây dựng phương án tưới tiết kiệm cho lúa và cây trồng cạn trong điều kiện hạn hán. Phối hợp với các địa phương hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong điều kiện nắng hạn, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học theo quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) để đáp ứng nhu cầu nước tốt nhất cho cây trồng, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn gắn với liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
● Xin cảm ơn đồng chí!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)