Ðổi thay ở Bình Thuận
Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) đã chỉ đạo, khuyến khích nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nhờ đó, diện tích và năng suất các loại cây trồng chính ở địa phương đều tăng, nhất là cây đậu phụng. Hiện xã có khoảng 526 ha đậu phụng, tăng trên 190 ha so với năm 2015. Hầu như năm nào đậu phụng cũng được mùa được giá. Năm nay, nông dân Bình Thuận thu lãi từ cây đậu phụng đạt 45 - 50 triệu đồng/ha với thời gian trồng chỉ 3 tháng. Đồng thời với việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, xã chủ trương chuyển đổi 808 ha lúa sản xuất 3 vụ/năm sang 2 vụ, chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn cho thu nhập cao như: Bầu, ớt, khổ qua...
Đậu phụng được xem là cây xóa đói giảm nghèo của xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn).
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được xã chỉ đạo mở rộng, chú trọng phát triển các nghề truyền thống như làm nón lá, tráng bánh, nấu rượu... Riêng nghề nón lá có hơn 300 hộ tham gia, tạo việc làm cho số người ngoài tuổi lao động và người làm nông lúc nhàn rỗi việc đồng áng. Chợ Bình Thuận được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Toàn xã có 462 hộ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, chủ yếu là mua bán vật liệu xây dựng, sửa chữa cơ khí, điện tử, ăn uống.
Không chỉ chú trọng việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, phục vụ dân sinh. Trong 5 năm qua, từ các nguồn vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng, xã đã xây dựng hơn 60 km đường giao thông bằng xi măng, đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Cùng với hệ thống kênh tưới Văn Phong, Thuận Ninh, xã đã xây dựng kiên cố hóa 2,73 km kênh mương nội đồng, nâng tổng chiều dài kênh mương được kiên cố hóa gần 34 km, cơ bản đảm bảo tưới và tiêu nước chủ động cho sản xuất nông nghiệp.
Về văn hóa - xã hội, xã đã xây dựng nhà văn hóa xã quy mô 250 chỗ ngồi, xây dựng nhà làm việc cho khối đoàn thể; nâng cấp, xây mới 3 nhà văn hóa thôn, trạm y tế xã.
Ông Thân Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã, khẳng định: Nâng cao đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Dân được hưởng lợi nên thông hiểu, đồng lòng góp sức, hỗ trợ 16,2 tỷ đồng, 1.200 ngày công lao động, 6.300 m2 đất và 4.650 cây cối... để xây dựng nông thôn mới. Xã tự hào đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới vào năm 2018, sớm hơn 2 năm so với dự kiến. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở xã ước đạt 41 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,7% (giảm 2,5%/ năm) .
Ðinh Ngọc