“Lời chào” từ các xã
Cùng với phát triển KT-XH, ngày càng nhiều xã trên địa bàn tỉnh xây dựng cổng chào với mục đích góp phần tạo thêm “điểm nhấn” cho bộ mặt của xã. Điều đáng nói ở đây là một số cổng chào thay vì thể hiện nét riêng của địa phương lại nghiêng về phô trương, hình thức, xây dựng bằng bê tông cốt sắt, ốp đá bóng loáng... vừa “chỏi” với không gian chung, ít tính mỹ thuật, vừa tốn kém, lãng phí.
Cổng chào xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn).
Thời gian gần đây, về một số xã trong tỉnh, chúng tôi thấy có thêm cổng chào được dựng lên có “chất riêng” hơn. Tiêu biểu như cổng chào của xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), được thiết kế các chi tiết ốp mica tạo điểm nhấn làm nổi bật dòng chữ “Xã Nhơn Lộc năng động, đổi mới, phát triển” với cờ Đảng và cờ Tổ quốc ở trên, hai bên góc có biểu tượng hai sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu ở địa phương là rượu Bàu Đá và bánh tráng Trường Cửu. Xét về góc độ du lịch, du khách hiển nhiên bị thu hút và mong muốn khám phá ngay những nét đặc sắc của làng nghề.
Cũng ở An Nhơn, cổng chào xã Nhơn Phúc cũng bê tông, sắt nhưng được xử lý “mềm mại” hình vòng cung với họa tiết trang trí hình bông hoa. Cổng chào có sự gắn kết và góp phần làm nổi bật không gian phía dưới là con đường nhựa, cánh đồng lúa thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên và sự phát triển về giao thông của xã.
Xây dựng cổng chào ở xã sẽ còn đủ kiểu bởi không có quy định cụ thể, nhưng không nên “chạy đua” theo nơi khác mà cần phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Chừng chục ngày trước, đến xã vùng cao Canh Liên (huyện Vân Canh) đúng vào dịp Đảng bộ xã chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đập vào mắt tôi là cổng chào của xã đang được quét vôi lại cho mới. Cổng chào tuy rất đơn giản (quy mô chỉ như cổng chào của thôn ở vùng đồng bằng), nhưng hài hòa với cảnh quan núi rừng, và quan trọng hơn thể hiện sự tiết kiệm rất cần thiết khi đời sống của người dân còn hết sức khó khăn.
MAI THƯ