Không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài: Bước tiến đáng kể xóa “thẻ vàng” của EC
Từ đầu năm 2020 đến nay, Bình Ðịnh không có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Ðây là kết quả đáng kể trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), góp phần khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).
Không để ảnh hưởng đến lợi ích chung
Trong 2 năm 2018 - 2019, toàn tỉnh có 41 tàu cá/305 ngư dân khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. UBND tỉnh đã xử phạt 7/41 trường hợp vi phạm với số tiền 595 triệu đồng (85 triệu đồng/trường hợp). Tháng 3.2020, UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định xử phạt 4 chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm trong năm 2019, tổng cộng 3,6 tỷ đồng (900 triệu đồng/trường hợp). 30 trường hợp vi phạm còn lại, ngành chức năng đang xác minh, củng cố hồ sơ để xử phạt. Các ngư dân vi phạm cũng bị thu hồi giấy phép khai thác, cắt chế độ hỗ trợ nhiên liệu, kiểm điểm trước dân…
Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá Quy Nhơn.
Ông Văn Công Việt (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91198-TS, bày tỏ: “Nhiều bạn thuyền ra điều kiện chỉ đi biển nếu tàu qua vùng biển nước ngoài đánh bắt. Chủ tàu chỉ biết lắc đầu từ chối, vì không thể chấp nhận điều kiện này. Vì vậy, ngành chức năng phải xử phạt thật nghiêm trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, không thể để ảnh hưởng đến lợi ích chung”.
Toàn tỉnh hiện có 3.142 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đến nay, đã có 2.502 tàu lắp đặt thiết bị đảm bảo lộ trình trước 1.4.2020, đạt tỷ lệ 80%. Ngư dân Ngô Hồng Khải (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chủ tàu cá BĐ 93505-TS, cho hay: Nhờ được thường xuyên tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản và quy định khai thác IUU nên ngư dân đều nắm bắt thực hiện. Ngoài những thủ tục, giấy tờ, văn bằng theo quy định, tàu cá có thiết bị giám sát hành trình mới được ra khơi. Việc lắp đặt thiết bị này không chỉ giúp ngư dân kiểm soát hải trình tàu hoạt động theo tọa độ, bản đồ trên thiết bị để tránh vi phạm vùng biển nước ngoài, mà còn giúp cập nhật thông tin thời tiết trên biển…
Chung tay hành động
Để tiếp tục thực thi có hiệu quả Luật Thủy sản nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU năm 2020.
“Chúng ta thừa khả năng xuất khẩu thủy sản mà lại vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Vậy nên phải cố gắng để không vi phạm nữa. Các địa phương phải hiến kế để làm, chung tay cùng Trung ương tập trung chống khai thác IUU theo các khuyến nghị của EC”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết, Sở sẽ tăng cường phối hợp sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố ven biển đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho ngư dân; tăng cường công tác xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; chú trọng quản lý tàu cá khai thác thủy sản trên biển, tàu cá xuất nhập cảng; truy xuất nguồn gốc thủy sản. “Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản công bố điện thoại đường dây nóng 1800 1003 để tiếp nhận, giải đáp vướng mắc về IUU; xây dựng dự thảo quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá trong tỉnh trình tỉnh phê duyệt”, ông Phúc nói.
Ba tháng đầu năm 2020, Bình Định không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là kết quả đáng kể trong công tác chống khai thác IUU của tỉnh, góp phần cùng với cả nước xóa “thẻ vàng” của EC. Điều này càng được khẳng định khi tại nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo chống khai thác IUU gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu luôn nhấn mạnh: “Chúng ta đừng nên nói mà không làm, phải làm quyết liệt hơn nữa, phải phấn đấu không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tất cả phải chung tay hành động, hướng đến một nghề cá bền vững, có trách nhiệm!”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN