Yêu nước, hãy ở nhà!
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã bước sang một giai đoạn mới với chỉ thị cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1.4 của Thủ tướng Chính phủ. Ý thức công dân mang ý nghĩa quan trọng trong thời điểm quyết định này.
Thông điệp nhất quán mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại là “Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.
Biển Quy Nhơn vắng vẻ trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội.
Không phải tới mốc 0 giờ ngày 1.4, mà trước đó nhiều ngày, rất nhiều người đã chia sẻ trên mạng xã hội nhịp sống chậm “thời Covid”: Cà phê, ăn uống tại nhà, không tụ tập bù khú, cố gắng không rời khỏi nhà khi không có việc cần kíp.
Và, từ sáng 1.4, mọi người cùng bảo nhau thực hiện nghiêm quy định ai ở nhà nấy. Không chỉ hàng quán đóng cửa, mà cơ quan, công sở cũng vắng vẻ hơn khi bắt đầu chuyển sang cơ chế làm việc qua mạng.
Không chỉ tự mình thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở yên đó”, nhiều người còn tích cực tuyên truyền, vận động người khác làm theo. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.4, cả nước tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong vòng 15 ngày. Trước tình hình này, nhiều người bán vé số chuyên nghiệp lục tục chuẩn bị hồi hương. Tuy nhiên, khi biết chuyện, anh Trần Quốc Bảo (ở TP Quy Nhơn) đã khuyên anh hàng xóm mình không nên gọi toàn bộ gia đình người con làm nghề bán vé số từ TP Hồ Chí Minh về lại Quy Nhơn để nghỉ ngơi và tránh dịch. Bởi, trong quá trình di chuyển có thể bị nhiễm vi rút ở đâu đó (trên xe đò, quán ăn, quán giải khát...). Khi về tới nhà, chính quyền địa phương và ngành y tế phải tới thực hiện thu thập thông tin, đo thân nhiệt, yêu cầu ở yên tại nhà để theo dõi tình trạng sức khỏe..., không khéo lại biến thành tin đồn không hay. Và cuối cùng, cả xóm sẽ bất an, lo lắng vì “không biết tụi nó từ trong đó về có sao không?”, phải sống trong tình trạng hồi hộp, đợi qua 14 ngày rồi mới an tâm. “Nghe tôi nói, ông anh hàng xóm hiểu ra và điện thoại cho thằng con, dặn dò đừng về trong lúc này, thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch”, anh Bảo kể lại.
Không chỉ trong nước, nhiều người Việt ở nước ngoài cũng phát huy ý thức công dân trong thời điểm cả nước vào cao điểm chống dịch bệnh. Gia đình người bạn thời đại học của tôi đang sống ở Anh- quốc gia đang đứng thứ 8 trong danh sách các nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới với hơn 25.000 ca. Lúc các chuyến bay quốc tế chưa ngưng hẳn, nhiều người nhắn tin hỏi cả nhà có về Việt Nam tránh dịch không, bạn lạc quan nói: “Cả nhà bên này đã được nghỉ “Lễ Corona”. Dân họ sống được thì lo gì mình không sống được, nhà cháu không có ý định về “ăn nhờ ở đậu” quê hương. Ở hay về cũng vậy, cuộc sống không bao giờ dễ dàng, quan trọng là mình có sẵn sàng hay không thôi!”.
Song, bên cạnh những câu chuyện đẹp là không ít trường hợp đáng lên án, thậm chí phải xử lý hình sự. Đó là những người cố tình trốn khỏi khu cách ly, gây nguy hiểm cho người thân và cộng đồng, kéo theo nhiều người phải cách ly. Đó là những thanh niên không chấp hành quy định đeo khẩu trang ở bệnh viện, nơi công cộng, đã thế còn to tiếng chửi bới, hành hung người nhắc nhở mình...
Thực hiện cách ly toàn xã hội đồng nghĩa với chấp nhận những bất tiện trong cuộc sống thường nhật, từ bỏ những thói quen chừng như rất khó bỏ, như “cà phê sáng, lai rai chiều”. Song, khi đất nước cần, ai ở đâu nên ở yên đấy!
HOÀI NHÂN