Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh:
Vẫn còn nhiều rào cản
Tuy chưa thật sự nóng bỏng như một số địa phương khác, nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở tỉnh ta vẫn rất đáng lo ngại. Trong khi đó, công tác kiểm soát MCBGTKS lại gặp nhiều trở ngại.
Từ năm 2009, Bình Định được hỗ trợ triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS” nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định tỉ số GTKS (số bé trai/100 bé gái). Đề án này được thực hiện ở tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đề án đã mang lại những tác động nhất định, nhưng tỉ số GTKS vẫn “bất kham”.
Vẫn “nóng”
Năm 2009 - năm đầu tiên triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS”, tỉ số GTKS ở tỉnh ta là 109,3; giảm 8,4 so với năm 2008. Đến năm 2010, lại bất ngờ tăng vọt lên đến 116,3. Trong 2 năm 2011 và 2012, tỉ số này dao động ở mức “vừa phải” là 112 và 112,4. Tuy “mức tăng” cho phép của năm sau so với năm trước chỉ là 0,3; nhưng đến hết tháng 10.2013, tỉ số này đã chạm ngưỡng 115,8. Những người làm công tác dân số dự báo tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng từ đây đến cuối năm.
Theo ông Phạm Xuân Hoàng, Trưởng phòng DS-KHHGĐ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, một đặc điểm dễ thấy là tỉ số GTKS “tăng đều” ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, “nhức nhối” nhất vẫn là các xã ven biển. “Ở các gia đình ngư dân, tâm lý phải có nhiều con trai để đi biển vẫn còn rất nặng nề. Bên cạnh đó, do không bị ràng buộc bởi quy định không được sinh con thứ 3, nên tỉ số GTKS ở nhóm này khá cao”, ông Hoàng nhận định.
Ông Hoàng thông tin thêm, tỉ số GTKS thường tăng đột biến ở lần sinh con thứ 3 trở đi. Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2012, tỉ số GTKS ở lần sinh đầu tiên là 110,2; lần thứ 2 là 100,9; nhưng ở lần thứ 3 trở lên thì lên đến 115,5. Điều đó cho thấy, từ lần sinh thứ 3 trở đi, tình trạng lựa chọn GTKS càng phổ biến hơn.
Lực bất tòng tâm
Ông Phạm Xuân Hoàng cho biết, để kiểm soát tình trạng MCBGTKS, biện pháp hàng đầu vẫn là tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động truyền thông trực tiếp đã được tổ chức tại cấp xã mỗi năm một lần. Cán bộ xã được cung cấp thông tin về thực trạng và những hệ lụy của MCBGTKS để quan tâm, ủng hộ các hoạt động kiểm soát MCBGTKS. Đối với lãnh đạo cấp huyện, công tác truyền thông chủ yếu tập trung vào việc cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc xử phạt hành vi lựa chọn GTKS.
Trong 2 ngày 4 và 5.12, Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức tập huấn cho 22 báo cáo viên tuyến huyện về tuyên truyền giảm thiểu MCBGTKS. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giới thiệu về MCBGTKS, giới và bình đẳng giới, một số khái niệm cơ bản về truyền thông MCBGTKS; thực hành kỹ năng truyền thông, tư vấn và vận động để giảm MCBGTKS…
Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ cũng phối hợp với Thanh tra Sở TT-TT kiểm tra hoạt động xuất bản, phát hành để ngăn chặn kịp thời các ấn phẩm có nội dung liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi. Ông Nguyễn Minh Thảo, Chánh Thanh tra Sở TT-TT, cho biết: “Chúng tôi kiểm tra cả các cơ sở in ấn lẫn phát hành, nhưng thời gian gần đây không phát hiện các xuất bản phẩm có nội dung hướng dẫn lựa chọn GTKS. Ngay cả số sách tịch thu từ những người bán dạo cũng chỉ liên quan đến bói toán, không có nội dung sinh con theo ý muốn”.
Trong khi đó, Thanh tra Sở Y tế cũng tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra các cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Nguyễn Văn Trung, đợt thanh tra vừa kết thúc mới đây cho thấy, không cơ sở có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản nào “vượt rào”. “Nhiều lần kiểm tra đột xuất, nhưng kết quả siêu âm trên máy lẫn trên giấy của các cơ sở có dịch vụ siêu âm đều không có thông tin nào liên quan đến giới tính thai nhi”, ông Trung cho biết.
Tuy kết quả thanh, kiểm tra khá “sạch sẽ”, nhưng có một thực tế ai cũng thừa nhận là, những phụ nữ mang thai tháng thứ 4-5 đều biết giới tính thai nhi. Bằng cách này hay cách khác, người siêu âm vẫn thông báo giới tính thai nhi, như một cách “giữ chân” khách hàng.
Và, có một thực tế khác làm “đau đầu” ngành Dân số, đó là tình trạng tràn lan thông tin về lựa chọn GTKS trên internet. Với từ khóa “sinh con theo ý muốn”, website tìm kiếm Google cho ra đến hơn 5,1 triệu kết quả. Việc kiểm soát lượng thông tin này thật sự là quá sức đối với những người làm công tác dân số.
BÌNH PHƯƠNG