Alô là có
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chợ, siêu thị, cửa hàng, các trung tâm mua sắm vẫn mở cửa phục vụ bình thường, chưa có món hàng nào rơi vào trạng thái khan hiếm, thiếu hụt. Người tiêu dùng chỉ cần gọi điện, gởi tin nhắn là có đủ mọi thứ.
Hàng hóa đầy ắp các kệ ở siêu thị Co.opmart Quy Nhơn.
Theo khảo sát thực địa của chúng tôi, tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, hiệu tạp hóa ở các phường: Lê Lợi, Ghềnh Ráng, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây (TP Quy Nhơn)… hàng hóa rất dồi dào nhưng vắng khách hơn thường ngày. Tại chợ Ghềnh Ráng, chợ Khu 2, chợ Cây Xăng, chợ Tháp Đôi, nhiều sạp hàng không thiết yếu đã đóng cửa vì ít khách. Các sạp hàng tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả… vẫn kinh doanh bình thường, giá cả ổn định. Tầm 9 giờ sáng đã thưa khách mua sắm. Riêng các chợ Sân Bay, chợ Khu 6, chợ Đầm, chợ Lớn mới lượng hàng về đầy ắp, giá cả ổn định nhưng lượng người mua giảm trên 60%. Lượng khách giảm nhưng doanh số không giảm là dấu hiệu tích cực đầu tiên, có điều này là bởi bên bán và bên mua cùng chuyển sang dịch vụ đặt hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Sở Công Thương đã tổng hợp khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu tại 13 siêu thị, DN phân phối trong tỉnh. Tổng lượng hàng dự trữ của các siêu thị, DN đạt mức hơn 102 tỷ đồng. Cụ thể như: Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn 25 tỷ đồng, siêu thị Big C Quy Nhơn 20 tỷ đồng, siêu thị Co.opmart An Nhơn 15 tỷ đồng, DNTN Hoài Thu 15,6 tỷ đồng, DNTN Thương mại Kim Khánh 9 tỷ đồng… Tôi khẳng định, trong mọi tình huống, các DN trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân với giá cả ổn định”.
Tiểu thương Nguyễn Thị Châu, 60 tuổi, kinh doanh hải sản tại chợ Sân Bay, cho biết: “Tôi nhắn tin cho các khách quen, gặp khách nào đi chợ nhắn nhủ cứ gọi điện thoại, nhắn tin đặt hàng. Tôm, cá được làm sạch, rửa sạch giao tận nhà không tính phí giao hàng. Nhờ vậy, khách không mua nhiều hàng như hồi đầu mùa dịch mà đặt mua với lượng đủ ăn 2-3 ngày rồi đặt tiếp. Cá, tôm, cua, mực không thiếu thứ gì hết!”. Một số khách hàng còn tâm lý thực phẩm tươi sống phải chọn lựa cho kỹ mới dám mua. Vì vậy, các tiểu thương phải thuyết phục bằng cách, xem hàng xong đồng ý mới nhận để tạo uy tín.
Thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều cửa hàng tiện lợi mở cửa để thông thoáng nắng gió. Một số cửa hàng dán thông báo chấp nhận đơn hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi để giúp khách hàng mua sắm tại nhà. Tại cửa hàng Green, 15 Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn, chị Trịnh Thị Phương Thảo vừa soạn đơn và lướt facebook chốt đơn cho khách. Chị Thảo cho biết: “Hầu hết, khách đều đặt hàng qua mạng. Nhân viên xin nghỉ trông con hoặc về quê. Hiện chỉ có người giao hàng còn làm. Do đó, tôi vừa lo đưa sản phẩm mới; cập nhật số lượng, giá và chốt đơn liên tục đáp ứng nhu cầu của khách”.
Tại cửa hàng Nông Trang Xanh, 16A Trần Phú, TP Quy Nhơn hàng hóa phong phú từ rau xanh đến các loại thịt chả, dầu ăn, gạo, bún khô, các loại đậu… đầy ắp kệ. Để hạn chế tụ tập đông người, khi lượng khách hàng vượt quá 5 người, nhóm khách mới đến được hướng dẫn đợi bên ngoài, chờ đến lượt. Cửa hàng khuyến khích người dân chọn lựa mua hàng qua mạng, nhân viên giao tận nhà.
Tại các siêu thị Big C, Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Co.op Food Tăng Bạt Hổ, Vinmart… việc cung ứng hàng hóa phải diễn ra bình thường, các kệ hàng luôn đầy ắp hàng hóa sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng. Các siêu thị còn phát loa tuyên truyền, nhắn tin qua điện thoại đến khách hàng các dịch vụ, giờ mở cửa hoạt động hàng ngày...
Ông Nguyễn Danh Nhân, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, cho biết: “Những ngày qua, siêu thị nỗ lực tuyên truyền trên mọi phương tiện truyền thông, tin nhắn, mạng xã hội để khách hàng quen với việc ở nhà gọi điện thoại hoặc gởi tin nhắn đến siêu thị mua hàng. Chúng tôi mong khách hàng dần sẽ có thói quen này. Siêu thị đảm bảo nguồn hàng thịt cá tươi, rau xanh, sữa, đồ đông lạnh chất lượng đến tận tay khách hàng”.
HẢI YẾN