Cảnh giác, đấu tranh với “vi rút tin giả”
Trong khi toàn Ðảng, toàn dân quyết tâm, nỗ lực chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 thì cùng lúc xuất hiện vô số thông tin xuyên tạc, bịa đặt, hòng gây sự bất ổn trong xã hội, làm mất lòng tin của nhân dân.
Nhận diện thông tin xuyên tạc, bịa đặt
Trong hơn một tháng qua, nhất là những ngày bắt đầu thực hiện quy định cách ly xã hội, nhiều thông tin thất thiệt, giả mạo tràn ngập trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch, phản động, đài, báo quốc tế có xu hướng chống Việt Nam, tích cực khai thác, đăng tải, tán phát thông tin xuyên tạc sai sự thật, công khai đả kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Một số tổ chức phản động như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Voice”... tổ chức nhiều cuộc thăm dò ý kiến qua mạng gây áp lực với chính quyền đối với các quyết sách như: Đóng cửa biên giới với Trung Quốc, yêu cầu các DN có công nhân Trung Quốc, Hàn Quốc dừng sản xuất. Đồng thời, kích động công nhân đình công tập thể, kêu gọi người dân tích trữ lương thực, thực phẩm, tạo ra tình trạng hoảng loạn.
Nhiều thông tin trên mạng xã hội xuyên tạc tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nước. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, lợi dụng “khoảng trống thông tin” khi các đài, báo chính thống chưa đưa thông tin chính thức, chúng nhanh chóng khai thác, lồng ghép với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình dịch bệnh đưa lên mạng xã hội. Điển hình, ngày 27.3, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ CA) cho biết đã mời Đ.N.Q (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), là “KOL” (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) để làm rõ về hành vi đăng thông tin vi phạm pháp luật, tin thất thiệt về dịch bệnh. Từ tháng 2.2020 đến thời điểm nói trên, trang facebook của Đ.N.Q đã đăng tải gần 300 bài viết liên quan đến tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước. Trung bình mỗi bài viết có từ vài trăm đến hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, bình luận; trang facebook Đ.N.Q trở thành “điểm nóng”, nguồn phát tán thông tin thất thiệt thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trên mạng xã hội. Đ.N.Q khai nhận đã thu thập thông tin “nóng” về tình hình dịch Covid-19 từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng, sau đó chỉnh sửa, lồng ghép quan điểm cá nhân tạo thành tin thất thiệt.
Bên cạnh trang cá nhân, không ít nhóm chat trên zalo, messenger cũng là những “ổ dịch thông tin”. Anh N.H.V, nhân viên tiếp thị ở TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Bạn bè cấp 3 chúng tôi có một nhóm chat zalo, bình thường cũng không xôm tụ lắm, nhưng từ khi có dịch Covid-19 thì thông tin cập nhật liên tục. Song, đáng nói là có bạn đưa lên nhóm những thông tin không được kiểm chứng, nhất là chuyện đời tư của bệnh nhân thứ 21, nào là có bồ nhí, con riêng... Cùng với đó là “thuyết âm mưu” rằng Chính phủ đang giấu dịch, giấu số ca tử vong... làm những người khác hoang mang, lo lắng”.
Chung sức đấu tranh
Thời gian gần đây, các bài viết phân tích, phản bác thông tin sai lệch, phản động được quan tâm, chia sẻ ngày càng nhiều trên facebook và zalo. Cuối giờ chiều mỗi ngày, thông tin dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh Bình Định do Sở TT&TT và Sở Y tế cung cấp được chờ đợi và chia sẻ rộng rãi. Không chỉ cán bộ, công chức của ngành Tuyên giáo, ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng hưởng ứng, chia sẻ, góp phần lan truyền thông tin chính thống, chống lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ông Võ Văn Bình - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Bình Định - cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng. Song, internet là môi trường không biên giới, các mạng xã hội lớn thường được cung cấp bởi các DN từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm soát những thông tin bịa đặt được đăng tải, lan truyền vẫn còn nhiều khó khăn.
“Do đó, cùng với việc chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, mỗi người hãy tự trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật để “tự miễn dịch” và tăng “sức đề kháng” khi tiếp cận những loại “vi rút tin giả” đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để lan truyền. Quan trọng nhất là từng người phải tự hình thành cho mình một “bộ lọc” bằng bản lĩnh, kiến thức, kinh nghiệm trên cơ sở lập trường vững vàng, quan điểm rõ ràng khi tiếp cận các nguồn tin trên mạng xã hội”, ông Võ Văn Bình nói.
Không chỉ vậy, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần tích cực lên tiếng bác bỏ những thông tin thất thiệt. Với những vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, cần báo cho ngành chức năng liên quan để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Trên thực tế, dù các thiết bị hiện đại phát triển rất nhanh, nhưng các phương tiện truyền thống vẫn có giá trị riêng, nhất là khi tuyên truyền các thông tin chính thống. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Hữu Tường đã yêu cầu Trung tâm VH-TT&TT huyện tổ chức tuyên truyền bằng xe lưu động đến từng địa bàn dân cư, chú trọng các thôn, xã xa vùng trung tâm. UBND các xã, thị trấn chú trọng phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở; đồng thời tuyên truyền trực tiếp bằng loa cầm tay những thông báo, thông tin có liên quan về tình hình dịch bệnh Covid-19 để người dân kịp thời nắm bắt.
“Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu, bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Ðiều 288 Bộ luật Hình sự. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm”.
(Trích Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30.3.2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn cụ thể các vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự)
MAI LÂM