Thời gian điều tra, truy tố, xét xử không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật
Một bạn đọc gửi thư đến Tòa soạn hỏi:
Tôi là viên chức nhà nước (đơn vị sự nghiệp công lập). Tôi có giữ tiền giúp cho lãnh đạo cơ quan từ tháng 10.2014 đến tháng 1.2016. Tháng 9.2016, cơ quan bị CA điều tra; ngày 6.12.2017, tôi bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố về tội “Lập quỹ trái phép”. Ngày 29.7.2019, tôi bị TAND tuyên có tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, liên đới trách nhiệm bồi thường số tiền đã giữ. Các lãnh đạo cơ quan kháng án, tôi không kháng án. Ngày 20.9.2019, cơ quan gọi tôi vào làm việc bình thường. Ngày 14.11.2019, cơ quan tổ chức họp kiểm điểm kỷ luật cá nhân tôi, căn cứ vào bản án có hiệu lực từ ngày 30.8.2019. Do tôi viết bản kiểm điểm không tự nhận hình thức kỷ luật nên Hội đồng kỷ luật chưa thông qua hình thức kỷ luật. Hội đồng làm biên bản trình cấp trên chờ bản án phúc thẩm mới xử lý kỷ luật tôi. Vậy xin hỏi:
- Thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật viên chức?
- Trường hợp xác định thời hiệu kỷ luật tôi là căn cứ vào thời gian bị khởi tố hay thời gian tòa sơ thẩm tuyên án?
- Tôi không kháng án, nhưng Hội đồng kỷ luật chờ bản án phúc thẩm mới kỷ luật như vậy có đúng theo quy định không?
Luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết:
Theo quy định tại Luật Viên chức 2010, thì thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức được quy định cụ thể như sau:
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do Luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì viên chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
2. Theo như quy định trên thì thời hiệu để xử lý kỷ luật là trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm thì lãnh đạo phải ra thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật.
Còn thời hạn xử lý kỷ luật là từ 2 đến 4 tháng kể từ ngày có thông báo kỷ luật (khi phát hiện hành vi vi phạm thì phải ra thông báo kỷ luật) thì phải ra quyết định kỷ luật, nếu không ra quyết định kỷ luật, quá thời hạn trên thì không được ra quyết định kỷ luật nữa, vì vi phạm quy định về thời hạn ra quyết định.
Đối với những vụ vi phạm thông thường thì căn cứ vào việc xác định thời điểm hành vi vi phạm. Còn trường hợp này do vụ án đã khởi tố nên phải dựa trên kết quả điều tra, truy tố, xét xử của Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, TAND là có vi phạm hay không thì mới có thể nhận định được.
Vì vụ án chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, phải chờ bản án phúc thẩm xét xử xong thì mới có hiệu lực pháp luật nên theo quy định, thời gian điều tra, truy tố, xét xử không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật, cũng như thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Nếu bản án có hiệu lực pháp luật xong mà trong thời hạn từ 2 đến 4 tháng mà không ra Quyết định kỷ luật thì không được ra Quyết định kỷ luật bạn, là vi phạm quy định.
3. Tuy bạn không kháng cáo nhưng những người khác kháng cáo thì bản án sơ thẩm vẫn chưa có hiệu lực pháp luật. Nên buộc lòng phải chờ bản án phúc thẩm tuyên và có hiệu lực pháp luật thì mới kết luận bạn có vi phạm hay không.
V.L