Tọa đàm về tình hình bão lụt năm 2013 và kinh nghiệm, giải pháp phòng tránh
(BĐ) - Ngày 6.12, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh phối hợp với Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã tổ chức buổi tọa đàm về tình hình bão lụt năm 2013 và kinh nghiệm, giải pháp phòng tránh. Buổi tọa đàm do ông Phan Diễn - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung và bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự buổi tọa đàm có đại diện Ban chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Năm 2013 hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực đều xây dựng và thực hiện phương án PCLB-TKCN theo phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai bão lũ xảy ra nhiều và bất thường, nên đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân. Riêng tại Bình Định, chỉ tính đợt lũ xảy ra từ ngày 14-18.11 đã làm 19 người chết, 14 người bị thương; 97.932 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 297 ngôi nhà bị sập, 420 ngôi nhà bị hư hỏng; 54.845 giếng nước sinh hoạt bị ngập, ô nhiễm. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.586 tỉ đồng.
Sau các đợt mưa bão, lũ lụt, các địa phương cũng đã triển khai công tác khắc phục hậu quả với quyết tâm cao. Tuy vậy, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, công tác PCLB-TKCN theo phương châm 4 tại chỗ ở cơ sở ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức; việc dự tính dự báo tình hình thiên tai, bão lũ hạn chế, công tác di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn còn lúng túng. Công tác giáo dục, cảnh báo về tác hại của thiên tai, bão lũ cho người dân ở nhiều nơi chưa tốt, người dân còn chủ quan với mưa lũ, nên nhiều trường hợp chết oan.
Bởi vậy, để hạn chế thiệt hại cần phải chú trọng đến biện pháp phi công trình và biện pháp công trình. Trong đó biện pháp phi công trình tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy; lập và rà soát quy hoạch phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; tăng cường năng lực quản lý thiên tai và ứng dụng khoa học công nghệ. Biện pháp công trình chú trọng xây dựng, quản lý các công trình thủy lợi, đê điều; xây dựng các khu neo đậu trú tránh bão, trồng rừng... Các địa phương cũng đề nghị Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung hỗ trợ xây dựng nhà ở, trường học, trang thiết bị để phục vụ cho công tác PCLB.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung đã cung cấp một số thông tin về các chương trình dự án phục vụ cho công tác PCLB và giảm nhẹ thiên tai do Quỹ đã và đang hỗ trợ cho các tỉnh, thành trong nước. Quỹ đang tiếp tục vận động các nhà tài trợ để thực hiện thêm 2 chương trình mới (hỗ trợ thiết bị cho các trường mầm non và hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng) trong năm 2014, đề nghị các địa phương đề xuất cụ thể các công trình, trang thiết bị, gương kiểm lâm điển hình… để Quỹ xem xét, hỗ trợ.
T.SỸ
Trận mưa 2013 được xem như là mưa trên toàn tỉnh, lượng mưa ước khoảng trên 450mm. Với trận mưa này lụt là đương nhiên, nhưng nếu các hồ thượng lưu sông Kôn điều tiết lũ tốt sẽ hạn chế thiệt hại ở hạ du. Tuy nhiên do năm nay lượng mưa đầu mùa ít, phương án vận hành hồ các chủ hồ tâm lý sợ thiếu nước nên giữ nước. Khi hồ đầy lượng nước đến sẽ không còn tác dụng điều tiết. Mưa hạ lưu to, thượng lưu lớn, hồ không điều tiết được, làm cho nước lũ nhanh chóng dâng cao. Thiệt hại hạ du lớn vô cùng. Không phải thiệt hại mấy trăm ha lúa, khoai mà tài sản của dân, của nhà nước và của doanh nghiệp, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Thử tính bài toán nếu chúng ta tích nước ít đi, để dành dung tích hồ phòng lũ có thể cuối mùa rủi thiếu nước người nông dân chủ động trồng cây trồng cạn, nếu may có mưa đều hơn thì càng hay. Thử tính bài toán thiệt hại trong việc trồng lúa so với thiệt hại do lũ gây ra cái nào lớn hơn, từ đó quyết định phương án điều tiết hồ chứa. Điều tiết hồ mà quy trình nước lên tới đâu
Chỉ trong vòng 4 năm, hai trận lũ lịch sử đã xảy ra trên đất Bình Định. Trận 2009 mưa ở Vân Canh trên 800mm, khu vực rất ít hồ chứa, nhiều rừng nhưng toàn rừng sản xuất. Rừng sản xuất tới mù khai thác họ khai thác rừng hợp pháp nhưng tác hại chẳng kém gì phá rừng. Nên chăng ngành nông nghiệp cần có quy định rừng sản xuất phải khai thác theo quy trình "tỉa" cây, giữ lại mật độ nhất định để có tác dụng ngăn nước, chống rửa trôi. Vừa đảm bảo lợi ích kinh tế vừa phủ xanh đất trống, dồi trọc.