HỌC SINH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG:
Thêm yêu nét đẹp quê hương
Có nhiều cách để đưa văn hóa truyền thống đến với học sinh như thành lập CLB văn hóa truyền thống, tổ chức các buổi nói chuyện, trao truyền, trong đó, việc hướng dẫn để học sinh chủ động tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa truyền thống là cách làm thú vị, hiệu quả.
Thông qua những đề tài nghiên cứu khoa học, học sinh hiểu hơn về nét đẹp văn hóa.
- Trong ảnh: Thầy trò Trường THCS Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) chuẩn bị thuyết trình đề tài “Chợ Gò ở Tuy Phước - giá trị di sản cần bảo tồn và phát huy” ở Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2019 - 2020.
Theo đó, khi các em thực hiện các đề tài nghiên cứu về văn hóa truyền thống, nét đẹp quê hương cũng là cơ hội để các em tự tìm hiểu, thu thập tài liệu, tự viết ra những hiểu biết và mong muốn của mình thông qua sự hướng dẫn của giáo viên. Hằng năm, ở tỉnh ta, cuộc thi nghiên cứu KHKT dành cho học sinh các cấp luôn có những đề tài về văn hóa với đa dạng điểm nhìn như: “Khơi dậy và phát triển du lịch cộng đồng từ nét đẹp văn hóa Mỹ Thọ, Phù Mỹ”; “Nhận diện và thực hiện làm mặt nạ tuồng nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; “Chợ Gò ở Tuy Phước - giá trị di sản cần bảo tồn và phát huy”; “Bảo tồn và phát huy điệu múa xoang của người Bana K’riêm cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh”…
Khi triển khai đề tài, với sự tư vấn của giáo viên, các em chủ động tìm gặp nghệ nhân, tìm hiểu tài liệu, tư duy hướng phát triển của đề tài… Qua đó, các em có dịp tự mình trải nghiệm trong không gian văn hóa, lễ hội, tự viết nên những tâm tư, đề xuất để phát huy bản sắc văn hóa. Điều đáng vui mừng là từ khi triển khai các cuộc thi nghiên cứu KHKT, các môn nghệ thuật như: Cồng chiêng, múa xoang; các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan đát, nghề gốm và các lễ hội: Lễ hội đô thị Nước Mặn, Lễ hội Chợ Gò… càng ngày càng có thêm nhiều thanh thiếu niên quan tâm. Các đề tài của học sinh cũng được thể hiện sinh động đúng với năng lực và trình độ của các em. Có lẽ vì đồng điệu, dễ chia sẻ nên từ việc thực hiện đề tài đó, không chỉ các em trực tiếp làm mà cả bạn bè của các em cũng thêm yêu hơn nét đẹp truyền thống của quê hương mình.
Em Đinh Thị Ly Na, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Em thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy điệu múa xoang của người Bana K’riêm cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh” với mong muốn các bạn học sinh trong trường sẽ thêm yêu, gần gũi với văn hóa truyền thống của mình hơn. Để thực hiện đề tài, ngoài tìm hiểu tư liệu của nhà trường, trên internet, em còn gặp nhà nghiên cứu văn hóa Yang Danh và nghệ nhân H’ Gớt. Thực hiện đề tài không chỉ giúp em có thêm hiểu biết, dạn dĩ hơn mà còn có thêm nhiều bạn bè”.
Không chỉ xuất phát từ mong muốn của học sinh, việc cho học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu cũng là định hướng của nhà trường giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tiễn. Ông Trần Duy Khá, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh), cho biết: Bên cạnh việc mời nghệ nhân đến nói chuyện với học sinh, hằng năm nhà trường đều cố gắng cho học sinh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có đề tài về văn hóa truyền thống. Tôi nghĩ đây cũng là cách để các em hình thành khả năng tự tìm hiểu, trải nghiệm thực tế và đặc biệt thêm gần gũi với văn hóa cha ông mình.
Để giúp học sinh thực hiện tốt đề tài, giáo viên hướng dẫn thường đồng hành với các em. Nhằm giúp em Đinh Thị Tuyến, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định thực hiện đề tài “Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh với việc bảo tồn một số lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm, Bana, H’rê”, cô Hồ Thị Hồng, giáo viên hướng dẫn đã cùng học sinh tham gia các lễ hội truyền thống, Hội thi các CLB cồng chiêng thanh niên huyện Vĩnh Thạnh với góc quan sát khác với bình thường. Đồng thời cô còn giúp học sinh kết nối với các nghệ nhân, tiếp cận tư liệu và làm quen với các thao tác nghiên cứu khoa học cơ bản, như: Xây dựng hệ thống tư liệu, ghi chép nhật ký điền dã, cách ghi chú sao cho thật bài bản.
Theo cô Hồng, giúp học sinh cũng là giúp mình hệ thống lại các kiến thức về lĩnh vực mà mình tư vấn, hướng dẫn các em thực hiện. Chia sẻ với suy nghĩ của cô giáo Hồng, Nghệ nhân Yang Danh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bana K’riêm, nhận xét: Việc nhà trường cho các em thực hiện các đề tài về văn hóa không chỉ giúp các cháu hình thành kỹ năng trong việc tự học, trải nghiệm thực tế mà còn góp phần giúp các cháu hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc mình; giúp các cháu thấy được trách nhiệm của mình trong việc bản tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Phần tôi, trong khả năng của mình, tôi sẵn sàng giúp đỡ các cháu cả về việc trao truyền trình thức biểu diễn lẫn tài liệu, vốn hiểu biết của tôi.
ĐỖ THẢO