Chủ tàu được tự giữ phương tiện vi phạm
Nghị định 31/2020/NÐ-CP ngày 5.3.2020 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành ngày 1.5, cho phép chủ tàu, thuyền được tự giữ phương tiện vi phạm. Quy định này đã gỡ khó cho cơ quan chức năng trong xử lý tàu, thuyền vi phạm hiện nay.
Ông Trần Văn Ơi, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết: Hằng năm, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với CSGT đường thủy tổ chức nhiều đợt kiểm tra hoạt động tàu, thuyền vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các bến đò, tuyến thủy nội địa trong tỉnh. Bên cạnh những phương tiện được đăng kiểm, đăng ký, người điều khiển phương tiện có chứng chỉ khả năng chuyên môn thuyền trưởng… vẫn còn số ít phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, nhất là tàu cá cải hoán không số đăng ký để vận chuyển khách.
Việc tạm giữ, bảo quản phương tiện thủy nội địa vi phạm gặp nhiều khó khăn do thiếu bến, bãi.
- Trong ảnh: Một tàu cá chở dầu bẩn trên vùng biển Quy Nhơn bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ.
Đối với các phương tiện vi phạm, lực lượng kiểm tra buộc phải đưa phương tiện về các vị trí neo đậu, lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động nhằm đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh ta chưa có bến, bãi tạm giữ phương tiện theo đúng quy chuẩn (ngoại trừ bến Hàm Tử, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn có bãi neo đậu), nếu đưa phương tiện vi phạm về xử lý sẽ dẫn đến nguy cơ làm hỏng tài sản, cháy nổ, nhất là đối với những tàu, thuyền có trọng lượng lớn.
Để tháo gỡ những khó khăn này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2020/NĐ-CP, ngày 5.3.2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2013) về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Theo đó, người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện (trừ các trường hợp không được giao: Tang vật vụ án hình sự, giấy chứng nhận đăng ký giả…). Điều kiện để được tự trông giữ phương tiện vi phạm là: Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú, tạm trú hoặc có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác; tổ chức vi phạm có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện; có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.
Toàn tỉnh có 15 tuyến thủy đang hoạt động, trong đó có 6 tuyến phục vụ dân sinh, 9 tuyến phục vụ tham quan, du lịch ven biển; song chỉ tuyến Hải Cảng - Nhơn Châu là có phép. Cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 217 phương tiện thủy nội địa, chủ yếu ca nô, đò ngang vận chuyển khách; tàu, thuyền vận chuyển hàng hóa… Trong đó, có 172 chiếc có đăng ký, đăng kiểm; 30 chiếc có đăng ký, đăng kiểm nhưng hết hạn; 15 chiếc không đăng ký, đăng kiểm.
Trong thời hạn tự trông giữ, tổ chức, cá nhân vi phạm không được đưa phương tiện vi phạm tham gia giao thông; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất mát, hư hại. Trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng đưa phương tiện về nơi tạm giữ thì người vi phạm phải trả chi phí di chuyển phương tiện. Khi người vi phạm chấp hành quyết định xử phạt, nếu số tiền đặt bảo lãnh (để được tự trông giữ phương tiện vi phạm) lớn hơn số tiền bị xử phạt thì được khấu trừ và trả lại cho người vi phạm.
Hơn nữa, trường hợp cơ quan có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện chưa đủ điều kiện xây dựng nơi tạm giữ hoặc không đủ nơi tạm giữ có thể thuê nơi tạm giữ. Nơi tạm giữ là kho, bến, bãi, âu thuyền, cảng, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định. Nơi tạm giữ phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, trong đó, đối với bến thủy nội địa phải có thiết bị neo đậu phương tiện, có nội quy hoạt động ra, vào bến, sắp xếp, neo đậu phương tiện.
Năm 2019, CSGT đường thủy tổ chức 536 lượt tuần tra kiểm soát, phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 114 trường hợp/123 lỗi vi phạm; ra quyết định xử phạt 114 trường hợp với số tiền gần 70 triệu đồng. Trung tá Nguyễn Hồng Vang, Phó Trưởng phòng Phòng CSGT (CA tỉnh), cho hay: Trong các phương tiện vi phạm, có trường hợp buộc phải đình chỉ hoạt động, tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên thực tế, bến, bãi tạm giữ không có, điều kiện thủy văn phức tạp, ảnh hưởng của dòng chảy, thủy triều… nên vấn đề bảo quản phương tiện thủy vi phạm không thuận lợi. Vì thế, quy định có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện được đề cập tại Nghị định 31 sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng và chủ phương tiện bảo quản tài sản.
TRỌNG LỢI