“Ruộng lúa bờ hoa” ở Hoài Nhơn: Dễ làm, hiệu quả
Ðể hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, quản lý tốt dịch bệnh, góp phần nâng cao năng suất trên cây lúa, đồng thời tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Nhơn đã triển khai mô hình công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” trong vụ Ðông Xuân 2019 - 2020 tại thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam.
“Ruộng lúa bờ hoa” là cách thực hành canh tác cùng trồng lúa dưới ruộng và trồng hoa trên bờ mẫu. Hoa trên đồng ruộng sắc màu rực rỡ, với mật hoa, phấn hoa thu hút những loài thiên địch có ích, giúp cân bằng sinh thái đồng ruộng, giảm sâu bệnh trên ruộng lúa. Mô hình được triển khai trên diện tích 1 ha tại thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, với 15 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống lúa AN1 và các giống hoa sao nhái, hoa sam, hoa mười giờ…
“Ruộng lúa bờ hoa” không chỉ hiệu quả về kinh tế mà còn dễ làm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phước, nông dân tham gia mô hình cho hay: “1 sào ruộng của gia đình tôi thực hiện “ruộng lúa bờ hoa”, 2 sào còn lại thì làm bình thường như lâu nay. Kết quả so sánh thấy 1 sào ruộng làm mô hình chỉ bón 2 lần phân, trong khi 2 sào làm bên ngoài bón tới 5 lần phân, sâu bệnh rất nhiều. Đến giờ, tôi chưa thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, nhưng cứ nhìn gié lúa là biết hạt phải gấp đôi so với ruộng ngoài mô hình”.
Tương tự, ông Trương Văn Hải cũng tham gia mô hình này, cảm nhận: “Với hơn 1 sào tham gia mô hình, tôi thấy nhẹ phân dữ lắm, chỉ cần bón 2 lần, còn 4 sào ruộng ngoài mô hình của gia đình bón tới 6 lần phân. Trong khi đó, năng suất ước thu hoạch ruộng trong mô hình tầm 80 tạ/ha, cao hơn 10 tạ/ha so với ruộng bình thường. Hiệu quả như vầy, vụ sản xuất sau tôi nhân rộng mô hình này trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa. Hơn nữa đồng lúa canh tác theo công nghệ sinh thái sẽ đẹp hơn với đường hoa đủ sắc màu; không còn mùi thuốc trừ sâu mà ngào ngạt hương thơm, trả lại môi trường một bầu không khí trong lành”.
Ðặc biệt, mô hình công nghệ sinh thái này có hệ sinh thái đa dạng hơn, nhiều loài thiên địch sinh trưởng, phát triển mạnh nên khống chế được sâu bệnh, không cần sử dụng thuốc trừ sâu, rầy. Ðồng thời, năng suất lúa đạt cao hơn, ước đạt 76 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 4 tạ/ha, lợi nhuận hơn 22,6 triệu đồng/ha.
Các hộ nông dân tham gia mô hình tại thôn Tăng Long 2 đến giờ đều rất tâm đắc với “ruộng lúa bờ hoa”. “Tính ra rất dễ làm, lại tạo môi trường trong lành, khi thăm đồng ruộng thấy phấn khởi lắm. Đặc biệt, từ ngày triển khai mô hình, ruộng ít bị sâu hại, và góp phần bảo vệ môi trường”, bà Trần Thị Kim Dung, nông dân thực hiện mô hình nói. Ông Nguyễn Trọng Vị, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tăng Long 2, khẳng định: “Mô hình đã mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân. Bởi, bình thường không trồng hoa thì cỏ dại cũng lên đầy bờ gây hại cho ruộng lúa, trong khi trồng hoa chẳng phải bỏ công nhiều vừa có ích, nâng cao năng suất lúa vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Từ ngày thực hiện “ruộng lúa bờ hoa”, bà con các xã lân cận thấy đẹp cứ tới chụp hình, xin giống về trồng, vui lắm!”.
Qua đánh giá thực tế tại cánh đồng và hội thảo tổng kết “ruộng lúa bờ hoa” mới đây cho thấy, mô hình đạt hiệu quả, nông dân rất phấn khởi. Qua thời gian sinh trưởng 115 ngày, khả năng đẻ nhánh của ruộng mô hình đạt 3 - 4 nhánh/bụi, chiều cao cây trung bình 110 cm, chiều dài bông 24 cm, số bông 382 bông/m2; tỷ lệ lép thấp hơn ruộng đối chứng 2%. Đặc biệt, mô hình công nghệ sinh thái này có hệ sinh thái đa dạng hơn, nhiều loài thiên địch sinh trưởng, phát triển mạnh nên khống chế được sâu bệnh, không cần sử dụng thuốc trừ sâu, rầy. Đồng thời, năng suất lúa đạt cao hơn, ước đạt 76 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 4 tạ/ha, lợi nhuận hơn 22,6 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Với nhiều lợi ích thiết thực trong thực hiện mô hình sinh thái “ruộng lúa bờ hoa”, thời gian tới Trung tâm tiếp tục áp dụng mô hình và kiến nghị chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tuyên truyền cho người dân triển khai diện rộng. Qua đó, giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
THÁI NGÂN