Nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà cách mạng Ngô Gia Tự (3.12.1908 – 3.12.2013):
Đồng chí Ngô Gia Tự trong cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Đồng chí Ngô Gia Tự (1908-1934) là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, một trong những người sáng lập Đảng ta, là người chiến sĩ Cộng sản lỗi lạc của Đảng.
Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự trở thành hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức cách mạng Việt Nam đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp truyền đạt tư tưởng giải phóng dân tộc của Người.
Ngày 28 và 29.9.1928, Hội nghị Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng họp tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự (nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Tại hội nghị, đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đưa ra chủ trương vô sản hóa: Đưa cán bộ của Hội vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách mạng trong phong trào công nhân. Chủ trương này được hội nghị thông qua và được triển khai ngay sau đó đã thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển trong những năm 1928-1929, đặc biệt là phong trào đấu tranh của công nhân. Vô sản hóa đồng thời cũng rèn luyện đội ngũ cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên khi đó vốn hầu hết là thanh niên, trí thức.
Sự hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc Kỳ đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một tổ chức mới, thể hiện rõ lập trường cách mạng, có cương lĩnh rõ ràng và phương pháp hoạt động đúng đắn. Tháng 3.1929, những thành viên tiên tiến của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội họp tại nhà số 5D, phố Hàm Long (Hà Nội) thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên. Đồng chí Ngô Gia Tự là một trong số bảy người sáng lập chi bộ cộng sản đầu tiên đó (Ngô Gia Tự, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính).
Trong hai ngày 28 và 29.3.1929, Đại hội lần thứ hai Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp tại Đồn điền Kim Đài, thuộc huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Vấn đề thành lập Đảng Cộng sản đã có sự nhất trí cao. Hội nghị bầu 4 thành viên của Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long là đại biểu của Kỳ bộ đi dự Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Kỳ bộ, là đoàn viên, nhưng được giao nhiệm vụ trình bày ý kiến của cả đoàn.
Đầu tháng 5.1929, tại Đại hội I của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Ngô Gia Tự đại diện cho đoàn đại biểu của Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ đã nêu vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra thảo luận trước đại hội. Đồng chí nêu rõ rằng, Đảng Cộng sản khác các tổ chức khác ở chỗ tôn chỉ rõ ràng, thành phần được chọn lọc kỹ, phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân. Đồng chí cũng phân tích những diễn biến mới trong phong trào đấu tranh của công nông ở Đông Dương để khẳng định rằng giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành về cả ý thức và tổ chức, đang đòi hỏi có sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng để đưa phong trào tiếp tục phát triển.
Ý kiến của đoàn đại biểu Bắc Kỳ không được thông qua. Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự quyết định bỏ đại hội ra về để khẳng định thái độ kiên quyết bảo vệ những quan điểm của mình. Ngày 1.6.1929, Ngô Gia Tự cùng với các đồng chí của mình trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ ra một bản tuyên ngôn, nói rõ lý do đoàn đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ ra về và nhấn mạnh “phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho giai cấp vô sản làm cách mạng được”.
Sau khi về nước, đồng chí Ngô Gia Tự lại lao vào cuộc đấu tranh với bầu nhiệt huyết của một nhà cách mạng trẻ tuổi, nhưng đã có một lập trường kiên định, một nhãn quan chính trị sáng suốt và nhạy bén. Ngày 28.5.1929, đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh bãi công của hơn 200 công nhân Xưởng sửa chữa ô tô Avia (Hà Nội). Cuộc bãi công kéo dài đến ngày 10-6 thì giới chủ phải nhượng bộ, chấp nhận những yêu cầu của công nhân: Bỏ lệ phạt vô lý, tăng lương, giảm giờ làm... Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn và có ý thức giai cấp rõ rệt nhất của phong trào công nhân trong quá trình tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.
Ngày 17.6.1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại nhà số 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội) gồm 20 đảng viên đầu tiên. Đồng chí Ngô Gia Tự là Ủy viên Ban chấp hành lâm thời (gồm 7 người).
Ngay sau khi thành lập, Đông Dương Cộng sản Đảng tích cực đưa đảng viên đi phát triển cơ sở đảng trên địa bàn cả nước. Đồng chí Ngô Gia Tự vào hoạt động ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại đây, “... Khi đồng chí Ngô Gia Tự vào Nam thì hoạt động và tổ chức của Đông Dương Cộng sản Đảng mới tiến. Ngô Gia Tự làm việc đắc lực, giải thích quan điểm của Đông Dương Cộng sản Đảng cho một số thanh niên ngày càng đông, gây thêm được cơ sở ở một số xí nghiệp”(*). Trong một thời gian ngắn, đồng chí Ngô Gia Tự đã phát triển cơ sở đảng ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, ở các đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ và ở xã Vĩnh Kim (Tiền Giang).
Những hoạt động tích cực của Đông Dương Cộng sản Đảng đã có tác động mạnh, khiến Tổng bộ của Thanh niên ở hải ngoại và Kỳ bộ Nam Kỳ tự cải tổ thành An Nam Cộng sản Đảng (tháng 8.1929) và Đảng Tân Việt (ở miền Trung) chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (đầu năm 1930). Từ “tia lửa” đầu tiên là Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long đã bùng lên nhiều "đám lửa" cách mạng và sau đó được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập trung lại thành "ngọn lửa lớn" là Đảng Cộng sản Việt Nam trong mùa Xuân năm 1930.
Cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra khá nhanh, do đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức từ trước đó và còn do được thúc đẩy bởi những hoạt động tích cực, sôi nổi của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, mà đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những người tiên phong. Trong cả quá trình dẫn đến sự kiện lịch sử thành lập Đảng, được đánh giá là “bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam” những năm cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, có những đóng góp lớn cả về lý luận và những kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh sôi động của đồng chí Ngô Gia Tự - nhà lý luận sắc sảo, nhạy bén, một người hoạt động thực tiễn xuất sắc của Đảng.
Theo NGÔ VƯƠNG ANH (QĐNDO)
(*) Trần Văn Giàu, Giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb Sự thật, H, 1961, tr 454, 455.