Nội lực - Niềm tin
Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao cả về năng lực đối phó với đại dịch Covid- 19 và nỗ lực duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 20.3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc họp. Theo đó: Cùng với chống dịch, cần có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân. Ảnh: TTXVN
Theo Báo cáo Đông Á-Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của Việt Nam đạt 3,82%. Con số trên dù là mức tăng trưởng thấp nhất trong 11 năm qua của Việt Nam nhưng đây lại là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong số các nước công bố số liệu đến thời điểm 31.3.2020.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367.900 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 31% GDP, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Đặc biệt, nội lực tăng trưởng được cải thiện với cơ cấu vốn khu vực Nhà nước đạt 112.100 tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8% (vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 13,2% kế hoạch năm, xấp xỉ mức năm 2019, mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước).
Vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 166.500 tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%.
Cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% về số doanh nghiệp. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 903.800 tỷ đồng…
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy có 58% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 ổn định hoặc tốt hơn quý IV/2019 và 74,1% dự kiến quý II/2020 sẽ ổn định hoặc tốt hơn so với quý I/2020…
Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2020 đạt hơn 1,246 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng GDP đã tạo động lực bù lại sự đình trệ của xuất khẩu (chỉ tăng 0,5%, trừ xuất khẩu gạo tăng đột biến).
Dù có nhiều chỉ số kinh tế đạt thấp hơn so cùng kỳ năm 2019, song kết quả nói trên được ghi nhận là kết quả hội tụ và tín hiệu tích cực phản ánh những nỗ lực chung cải thiện môi trường đầu tư từ năm 2019 và niềm tin thị trường, niềm tin đầu tư...
Đại dịch cũng là dịp người dân trải nghiệm và thêm tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, năng lực và trách nhiệm chuyên môn cao của ngành y tế nước nhà và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ cao đẹp trong lòng dân.
Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính-tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như miễn, giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ; giãn nộp thuế, tiền thuê đất và chậm nộp BHXH cùng với các chính sách an sinh khác, với phương châm như Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giặc”, để “không ai đói cơm, lạt muối, không ai bị bỏ lại phía sau vì dịch bệnh”, qua đó nhằm cả 2 mục tiêu chống dịch tốt để bảo vệ người dân, đồng thời duy trì ổn định kinh tế để sẵn sàng bứt phá khi dịch lắng xuống.
Đây cũng là thời điểm biểu đạt tình đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng; mỗi doanh nghiệp và người dân cần chung sức, chung lòng cùng Chính phủ nỗ lực vượt khó, đạt bằng được mục tiêu trên.
Theo Nguyễn Minh Phong (Chinhphu.vn)