Triển vọng mới từ nghề nuôi thỏ
Năm năm qua, với nghề nuôi thỏ, anh Dương Tấn Trung, ở thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (ảnh) đã giúp kinh tế gia đình ổn định và ngày càng phát triển. Gia trại của anh Trung hiện có hơn 90 ô chuồng, đủ nuôi hơn 200 con thỏ. Anh Trung cho biết: So với nhiều loại vật nuôi khác, thỏ tương đối dễ nuôi vì chúng có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, chỉ cần định kỳ 6 tháng/lần tiêm vắc xin 3 loại bệnh gồm: Cầu trùng, ecoli và xuất huyết thì yên tâm. Thức ăn của thỏ dễ tìm, ngoài cám tổng hợp là các loại rau củ, quả và phế phụ phẩm sẵn có tại địa phương. Một điểm lợi thế là thỏ mau trưởng thành, đến tuổi sinh sản và khung thời gian trong tuổi sinh sản khá dài. Nếu chăm sóc tốt, mỗi thỏ mẹ trưởng thành có thể sinh 1 lứa/tháng; 10 - 13 con/lứa.
Khi đạt 1 tháng tuổi, thỏ con có thể bán giống (70 - 80.000 đồng/con); thỏ 3 - 3,5 tháng tuổi có thể đạt 2 - 2,3 kg/con, đủ điều kiện để bán thịt, với giá khoảng 85.000 đồng/kg hơi. Anh Trung cho biết: Trừ thời gian đầu khá vất vả, còn lại khi thuần thục nghề nuôi thì mình cũng có đủ mối quen tiêu thụ thuận lợi từ Quy Nhơn, An Nhơn. Gần đây, ngay tại Tây Sơn, không chỉ các nhà hàng, quán ăn mà cả nhiều hộ gia đình cũng đến đặt mua thỏ. Nhiều người cho biết, hóa ra chế biến thỏ khá đơn giản, thịt lại ngon, làm phong phú bảng thực đơn của hàng quán, gia đình.
Anh Dương Tấn Trung chia sẻ: “Chăn nuôi thỏ ổn định từ giá đến khâu tiêu thụ. 4 - 5 năm qua, các mối mua gom thỏ đảm bảo mua hết thỏ tôi gọi bán và nhu cầu đang tăng lên. Do vậy cùng với việc đầu tư mở rộng quy mô nuôi, tôi còn hướng dẫn cho nhiều người cùng nuôi.
ÁNH NGUYÊN