Dự án hỗ trợ bò cái giống cho hộ nghèo tại xã Canh Vinh:
Thực hiện còn thiếu chặt chẽ
Hỗ trợ bò cái giống cho hộ nghèo chăn nuôi nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững là chính sách đúng đắn; tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả tích cực, tránh dư luận bàn tán thì chính quyền địa phương cần thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Những rối rắm liên quan đến chính sách này xảy ra tại xã Canh Vinh (Vân Canh) trong thời gian gần đây là một minh chứng.
Lùm xùm quanh con bò cái giống
Tháng 11.2009, hộ ông Đỗ Tiến Sĩ và Võ Sum (cùng trú thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh) được Ban quản lý Dự án phát triển hỗ trợ sản xuất xã Canh Vinh (gọi tắt là BQL) bàn giao 1 con bò cái giống để chăn nuôi sinh sản. Theo biên bản bàn giao, hộ ông Sum được quyền nuôi bò trước; sau khi bò cái sinh bê con, trong thời gian 6 tháng, ông Sum bàn giao bò mẹ để ông Sĩ tiếp tục chăn nuôi sinh sản. Tháng 6.2013, sau gần 4 năm chăn nuôi nhưng bò không sinh sản, ông Sum quyết định bán con bò cái giống. Cho rằng ông Sum làm vậy là không đúng, ảnh hưởng quyền lợi của gia đình mình nên bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Sĩ) làm đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, vì UBND xã cho phép ông Sum bán bò.
Tương tự như trường hợp ông Sum, khoảng giữa năm 2013, hộ bà Phan Thị Nhí (trú thôn Tăng Lợi) cũng quyết định bán bò cái giống sau gần 4 năm săn sóc, nuôi dưỡng nhưng không sinh sản. Số tiền 20 triệu đồng sau khi bán bò, bà Nhí giữ 13 triệu đồng; 7 triệu đồng còn lại bà chia cho hộ ông Lê Ca và Đào Đát (2 hộ cùng nhóm nhận bò với bà Nhí). Khi nghe tin bà Nhí tự ý bán bò, UBND xã Canh Vinh mời bà tới làm việc và yêu cầu nộp lại toàn bộ số tiền; thế nhưng, đến nay bà Nhí vẫn chưa thực hiện. Bà Nhí cho rằng: “Tui tốn công, tốn sức nuôi bò trong 4 năm trời, nó không chịu đẻ nên mới bán chứ bình thường mắc mớ gì phải làm vậy. Giờ xã nói tui nộp lại toàn bộ tiền bán bò, vậy tiền của, công sức bấy lâu tui nuôi bò ai tính?”.
Một trường hợp khác ở thôn Tăng Lợi là hộ ông Phan Văn Rượu cũng bị UBND xã Canh Vinh yêu cầu nộp lại tiền bán bò cái giống vào ngân sách xã. Giống như bà Nhí, đến nay ông Rượu vẫn chưa thực hiện. “Cuối tháng 1.2013, con bò cái giống tui nhận nuôi sắp đẻ thì bị chết. Xã thanh lý con bò với giá 2,8 triệu đồng và ưu tiên bán cho gia đình tui. Giờ xã buộc tôi phải nộp lại toàn bộ tiền bán bò, vậy công tôi đầu tư nuôi bò lâu nay coi như mất trắng, đã nghèo còn nghèo hơn”, ông Rượu trình bày.
Quản lý còn lỏng lẻo
Liên quan đến các trường hợp trên, phóng viên Báo Bình Định đã gặp đại diện lãnh đạo UBND xã Canh Vinh để tìm hiểu rõ hơn. Theo ông Trần Văn Bài, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh: “Về nguyên tắc, hộ nghèo được nhận bò giống để nuôi dưỡng sinh sản nhưng bò vẫn thuộc quyền quản lý của BQL. Do đó, các hộ nhận nuôi không được bán bò; chỉ khi nào có sự đồng ý của UBND xã mới được bán. Số tiền bán được phải nộp vào ngân sách xã và xã không có trách nhiệm hỗ trợ tiền chăm sóc bò đối với các trường hợp bò không sinh sản, ốm đau hoặc chết”.
Về trường hợp khiếu nại của bà Lan, ông Bài giải thích: Sau khi nhận báo cáo của ông Sum về việc bò cái giống không sinh sản, UBND xã giao BQL tiến hành kiểm tra. Sau đó, xã thành lập hội đồng định giá, định giá con bò ông Sum 10 triệu đồng. Tuy nhiên, xã đã cho ông giữ lại con bò trong vòng 30 ngày (kể từ ngày 28.6.2013) để tăng cường thúc mập, với mục đích bán được tiền chênh lệch (so với mức định giá 10 triệu đồng) nhằm bù vào tiền thức ăn và công nuôi dưỡng trong 4 năm. Ngày 26.7.2013, sau khi bán bò, ông Sum đã nộp đủ số tiền 10 triệu đồng vào ngân sách xã.
Mặt khác, theo quy định tại biên bản bàn giao bò vào năm 2009: Sau khi bò mẹ đẻ ra bê con, trong vòng 6 tháng, hộ nhận nuôi trước phải bàn giao bò mẹ cho hộ nuôi sau. “Vì năm 2012 hộ ông Sĩ đã thoát nghèo, nên trường hợp con bò cái giống ông Sum nuôi nếu có đẻ ra bê con, thì hộ ông Sĩ cũng không được nhận bò mẹ”, ông Bài cho biết thêm. Tuy nhiên, bà Lan vẫn chưa hết thắc mắc, bởi trong biên bản bàn giao bò không hề có quy định nếu hộ nuôi sau đã thoát nghèo thì không được nhận bò mẹ, như lời giải thích của ông Bài.
Có thể thấy, với cách quản lý bò cái giống từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của xã Canh Vinh chưa chặt chẽ, thì việc khiếu nại, thắc mắc của các hộ dân ở thôn Tăng Lợi là khó tránh khỏi. Thiết nghĩ, UBND xã Canh Vinh và ngành chức năng huyện Vân Canh cần kiểm tra vụ việc xử lý kịp thời và hợp lý; mặt khác, việc triển khai chính sách hỗ trợ bò cái giống cho hộ nghèo cần phải chặt chẽ hơn nữa; tránh những điều tiếng không hay ảnh hưởng đến chính sách đúng đắn này.
VĂN LỰC