Dịch Covid-19 sẽ tác động mạnh đến lợi nhuận của ngành ngân hàng
Theo Công ty Cổ phần chứng khoán SSI, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối quý 2, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức 7,2%/năm. Nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối năm, mức tăng trưởng sẽ là 0,8%/năm.
Theo báo cáo tài chính quý II, kết quả kinh doanh của khối ngân hàng không mấy khả quan, nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu tháng 3.
Lãi suất của ngành ngân hàng sẽ bị tác động mạnh do dịch bệnh. (Ảnh minh họa: KT)
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI phân tích, tác động của dịch Covid-19 đến kết quả kinh doanh tại nhiều ngân hàng trong quý I là không lớn, ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, sang quý II, các khoản thu nhập từ lãi, phí và thu hồi nợ xấu của khối ngân hàng sẽ giảm xuống khi thực hiện đáp ứng các nhu cầu của khách hàng thông qua việc cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
Báo cáo của SSI cũng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với các ngân hàng so với các dự báo trước đó. Cụ thể, với kịch bản cho rằng, dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý II và kịch bản xấu là đến cuối năm 2020, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tương ứng 7,2%/năm và 0,8%/năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I, tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam khá khiêm tốn là 0,68%/năm. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019, thời điểm đó tăng trưởng tín dụng dao động từ 1,25% tới 2,81%.
Trên thị trường, mức tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Mbank… đang dần chậm lại, có thể do các ngân hàng thận trọng hơn trong việc giải ngân các khoản vay mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.
Về tín dụng tiêu dùng, theo SSI, sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, nhu cầu vay từ các khách hàng phân khúc bình dân và thu nhập thấp vẫn còn nhằm đáp ứng phí chi trả sinh hoạt. Giai đoạn 2, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt đỉnh, thu nhập của phân khúc khách hàng bình dân sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, do đó khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này sẽ giảm nhanh.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, các ngân hàng đã thực hiện mở rộng các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp…
Theo Chung Thủy (VOV.VN)