Phác thảo Cù Lao Xanh
“Văn hóa dân gian xã đảo Nhơn Châu” - một bộ phận của công trình nghiên cứu “Văn hóa dân gian thành phố biển Quy Nhơn” là đề tài mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân tâm huyết và dày công thực hiện. Từ những chuyến “đảo dã”, khảo cứu dài ngày, người “đi nhặt vàng rơi” này đã cho chúng ta bản phác thảo sinh động về một vùng đất hữu tình, lắm trầm tích.
Có câu ca dao, rằng: “Có con mà gả Cù Lao/ Giống như hòn đá xô nhào xuống sông”. Chẳng vừa, người Cù Lao đáp lại: “Muốn ăn cá ảu, cá chù/ Có con mà gả mù mù tăm tăm”, qua đó thấy được phần nào nỗi thiệt thòi, cách trở của người dân xã đảo với đất liền, nhưng cũng thấy được tình yêu, lòng tự hào về quê hương của người dân đảo.
1. “Xuất phát từ Bãi Hồ, nơi cất giữ thuyền đánh lưới đăng khi chưa đến vụ, thuyền chúng tôi lướt sóng đi qua Núi Mũi, Hòn Yến - Ông Già, Sũng Đông Dưới, Sũng Đông Trên, Đá Cá Nạng, Sũng Bàn Tay, Hàm Ếch, Mũi Yến, Đá Chiết Hiệu, Đá Mái Nhà…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân bắt đầu câu chuyện bằng một trong những hành trình của ông trên Cù Lao Xanh. Bạn đồng hành với ông là ngư dân Nguyễn Văn Hạnh - một người dẫn đường đầy tin cậy.
Thực hiện công trình nghiên cứu về xã đảo Nhơn Châu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân nhận được sự giúp đỡ tận tình, đầy trách nhiệm của người dân địa phương.
- Trong ảnh: Nguyễn Xuân Nhân và ngư dân Nguyễn Văn Hạnh trong chuyến khảo sát vòng quanh đảo.
Không chỉ nằm lòng vị trí; từng vũng, bãi, hòn nổi, hòn chìm, mũi núi, sũng đá… nơi này đều được chính người dân ở đảo đặt tên. Tên sinh ra từ đặc điểm bên ngoài hay gắn với ý nghĩa bên trong. Gọi Hòn Yến - Ông Già là vì cách Núi Mũi chừng 500m về phía nam có một núi đá mọc lên giữa biển trông giống ông già trầm tư hướng về phía miếu Bà Thủy và chim yến thường về đây làm tổ. Hay như Đá Chiết Hiệu, một tảng đá lớn nằm trên sườn núi phía tây Hòn Lớn, được xem là ngọn hải đăng cổ tự nhiên. Tàu thuyền từ ngoài vào hay trong ra đều thấy rõ tảng đá này, đây chính là tín hiệu báo từ xa cho tàu bè tránh bãi đá ngầm là Hòn Cao. “Dân Cù Lao Xanh giàu trí tưởng tượng, năng khiếu thẩm mỹ và đặc biệt, giàu lòng yêu đảo”, ngư dân Nguyễn Văn Hạnh tự hào nói.
2. Ven chân đảo, nhất là trên sườn núi phía Đông Hòn Nhỏ dường như là vùng đất thiêng của tiền nhân xa xưa. Nơi đây có một quần thể đá, làm cho người chứng kiến không khỏi ngạc nhiên bởi hình thù và dấu vết thể hiện có sự tác động của con người. Có tảng đá giống bàn tay úp sấp, có tảng giống bàn tay nắm chặt đủ cả 5 ngón, có tảng giống hình đầu sư tử, có tảng giống hệt con cá nạng… “Đá tự nhiên khó có hình thù như thế. Các nhà khảo cổ với thiết bị và công nghệ tiên tiến thẩm định mới có thể kết luận về điều này. Tuy nhiên, với cảm nhận của người sưu tầm văn hóa dân gian, chúng tôi cho rằng, các tảng đá này đã có tác động của nghệ nhân người Sa Huỳnh (tiền Chămpa) với công nghệ đồ sắt cao. Phải chăng người Sa Huỳnh đã sống ở Cù Lao Xanh từ thời cổ và các tảng đá trên là di sản điêu khắc họ để lại cho đời sau?”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đặt giả thuyết.
Dấu tích văn hóa cổ còn thể hiện đậm nét ở nhiều di sản văn hóa vật thể khác. Đó là 3 giếng Chăm cổ: giếng Chùa, giếng Đá và giếng Lầu, nguồn cung cấp nước ngọt cho người Chăm thuở trước. Đó là Miếu Bà Chúa Nguộc, tức Bà Chúa Ngọc Nương Nương (cách đọc trại đặc trưng của người dân Cù Lao Xanh để tránh kỵ húy) được xây cất trong hang đá sâu, muốn vào thắp hương phải chui qua một cổng tam quan bằng đá tự nhiên. Một bảng sắc phong của vua Bảo Đại mà người dân xã đảo giữ gìn cho đến ngày nay càng chứng minh giá trị lịch sử của ngôi miếu cổ này. Bên cạnh đó là nhiều công trình văn hóa khác như chùa Thanh Phước, ngôi chùa được cho là xây dựng trên nền đất cũ của một ngôi đền Chăm, 5 ngôi miếu Ngũ hành, đình Thành hoàng, lăng Nam Hải… với nhiều bí ẩn, giai thoại cần được nghiên cứu, hé mở.
“Bắt tay thực hiện đề tài “Văn hóa dân gian xã đảo Nhơn Châu”, về mặt chuyên môn tôi gặp rất nhiều khó khăn: vấn đề nghiên cứu khó, dân cư Cù Lao Xanh xưa nay vốn rất biến động, người biết nhiều, biết sâu về văn hóa dân gian địa phương không nhiều, ký ức dân gian rời rạc… Bù lại, tôi được chính quyền, nhân dân quý mến, động viên, ai biết được gì, biết đến đâu đều nhiệt tình cung cấp”.
Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN NHÂN
3. Từ nhiều năm qua, với hàng chục công trình nghiên cứu văn hóa dân gian có giá trị, người thầy đáng kính Nguyễn Xuân Nhân vẫn lặng lẽ, tận tụy làm con tằm rút ruột nhả tơ cho văn hóa dân gian Bình Định. Nghiên cứu “Văn hóa dân gian xã đảo Nhơn Châu” ở tuổi quá “cổ lai hy”, có vẻ như nhà folklore này đang chạy đua với thời gian và cũng không có công trình nghiên cứu nào thôi thúc ông bằng.
Qua những chuyến đi đến Cù Lao Xanh, ông Nguyễn Xuân Nhân có thêm một người thân. Ông Nguyễn Văn Điền - 67 tuổi, người duy nhất nắm rõ “tiểu sử” Đá Chiết Hiệu - xin kết nghĩa anh em. Từ xã đảo về lại thành phố, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân mang thẻ nhớ đi rửa ảnh khổ lớn, mua khung lồng ảnh để sắp đến mang ra tặng ông Lê Thủ Tòng, 86 tuổi vì “ông ấy bảo muốn có tấm ảnh trang trọng, ưng ý để sau này dùng”. Ông cũng phôtô một số sách lịch sử Việt Nam tặng với mong muốn cháy bỏng: dân ta phải biết sử ta...
4. Chuyến đi đến Nhơn Châu, mỗi chuyến hơn 10 ngày. Ông ngủ ở nhà khách UBND xã, ăn cơm cùng bộ đội. Khảo sát trên đất liền, luôn luôn có chàng trai trẻ Hồ Nhân Tuấn dẫn đường (có thể cả trông chừng, chăm sóc cụ già này). Khảo sát trên biển, ông có thợ nhất lưới đăng Nguyễn Văn Hạnh đồng hành. Lúc có tin bão Haiyan sắp vào, nhiều người khuyên ông nên về nhà, ông bảo: “Dân đảo ở được, tôi ở được”. Họ nhìn nhau, lặng im rớm nước mắt.
Cù Lao Xanh - Nhơn Châu đang vẫy gọi các nhà khảo cổ tới giúp người đời nay và cả mai sau hiểu biết về hòn đảo này chính xác và đầy đủ hơn…
SAO LY