Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng
Theo cảnh báo của ngành Lâm nghiệp, nhiều khu rừng ở tỉnh ta đang đối diện với nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Trước bối cảnh này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh triển khai lực lượng tuần tra bảo vệ rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), từ cuối năm 2019 đến nay, nắng nóng gay gắt kéo dài, một số diện tích rừng có thảm thực bì đã khô rất dễ bắt lửa gây cháy, nếu xảy ra đám cháy sẽ lan với tốc độ rất nhanh. Ngành Lâm nghiệp và các chủ rừng đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR&PCCCR).
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, huyện Vân Canh hiện quản lý hơn 16.450 ha rừng; trong đó có hơn 13.245 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên của công ty quản lý nằm ở những vị trí núi cao, trải ra trên diện rộng giáp với huyện Tây Sơn, TX An Nhơn và tỉnh Gia Lai, Phú Yên, phải tăng cường tuần tra BVR.
Ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho hay: “Trước khi mùa khô đến, chúng tôi cũng đã phát dọn, xử lý thực bì, làm vành đai cản lửa, chòi canh lửa; khoanh vùng và chủ động phòng ngừa các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Sẵn sàng nhiều phương án xử lý để nếu xảy ra cháy rừng. Dù vậy phòng cháy vẫn là phương án tối ưu, chúng tôi cho lập nhiều chốt, trạm và cử lực lượng túc trực thường xuyên.
Ở huyện Vĩnh Thạnh, từ nhiều tháng trước, UBND huyện đã cho ban hành kế hoạch, phương án PCCCR năm 2020. Theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ để chủ động ứng phó PCCCR. Đồng thời đôn đốc các địa phương, các chủ rừng kiện toàn các tổ, đội BVR&PCCCR theo phương án; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc BVR&PCCCR. Hạt cũng bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, truy quét BVR, nhất là các vùng rừng giáp ranh các huyện An Lão, Tây Sơn và với tỉnh Gia Lai.
Tương tự với hơn 54.000 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 48.200 ha, còn lại là diện tích rừng trồng, huyện miền núi An Lão cũng sớm triển khai kế hoạch, phương án BVR&PCCCR năm 2020. Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam, cho biết: Huyện luôn chú trọng triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò của các ngành, hội, đoàn thể, các địa phương và người dân về BVR&PCCCR, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng kịp thời xử lý các tình huống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra cả về diện tích và số vụ; chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện tăng cường tuần tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp.
Nhờ chủ động triển khai tốt các giải pháp BVR&PCCCR, nên từ đầu năm đến nay, tỉnh ta không xảy ra cháy rừng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Huỳnh Ngọc Bảo, cho biết: Năm nay nguy cơ cháy rừng sẽ luôn ở mức cảnh báo cao, Chi cục chỉ đạo lực lượng kiểm lâm bố trí lực lượng tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép; quan trọng nhất là phải theo dõi diễn biến thời tiết để dự báo nguy cơ cháy rừng, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để kịp thời triển khai các biện pháp PCCCR.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN