Bị hủy án sơ thẩm do vi phạm tố tụng trong điều tra
Trong tháng 11.2013, có 3 vụ án hình sự phúc thẩm bị TAND tỉnh hủy án để điều tra, xét xử lại do vi phạm các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS): điều tra viên không triệu tập lấy lời khai của bị hại, bị đơn dân sự, hoặc không mời luật sư đối với người phạm tội chưa thành niên…
Như trong vụ án Đinh Thị Sáng (SN 1972, trú thôn Giao Hội 2, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn), can tội cố ý gây thương tích. Điều tra viên được phân công điều tra vụ án này không triệu tập, lấy lời khai của bị hại. Biên bản ghi lời khai của người làm chứng không phải do điều tra viên được phân công điều tra vụ án lập mà do cán bộ điều tra lập. Ngoài ra, lời khai của bị cáo, của bị hại và một số người làm chứng có mâu thuẫn nhưng cơ quan điều tra không tiến hành đối chất để làm rõ. Những điều này đã vi phạm các điều 95, 125, 138 BLTTHS.
Theo quy định của BLTTHS, người chưa thành niên phải có luật sư chỉ định bào chữa.
Hay trong vụ án Lâm Xuân Phổ (SN 1978, ở thôn Tú Sơn, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, điều tra viên đã không tiến hành triệu tập lấy lời khai của bị đơn dân sự và đại diện hợp pháp của bị hại là vi phạm Điều 137 BLTTHS.
Tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS quy định: Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, viện KSND hoặc tòa án phải yêu cầu cử luật sư bào chữa. Tuy nhiên, trong vụ án Nguyễn Văn Phóng (SN 1996, ở huyện Vĩnh Thạnh) phạm tội trộm cắp tài sản khi chưa đủ 18 tuổi, nhưng cơ quan điều tra đã không yêu cầu đoàn luật sư phân công luật sư bào chữa cho bị cáo.
Vì cả 3 vụ án hình sự nói trên đều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn điều tra, truy tố, cấp xét xử phúc thẩm không thể khắc phục được nên TAND tỉnh hủy án để giao cho cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại cho đúng quy định của pháp luật.
Mới đây, Viện KSND tỉnh Bình Định đã có công văn kiến nghị, đề nghị thủ trưởng các cơ quan điều tra có liên quan khắc phục những vi phạm nêu trên và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
TRẦN THỊ THÚY VINH
Đối chứng lời khai ư! nếu bị hại và bị đơn có những lời khai mâu thuẩn nhau (bị hại khai dối để giảm nhẹ tội và bị đơn cố tình nâng nhẹ tội) thì việc đối chất này sẽ diễn biến ra sao ? và ĐT viên sẽ điều khiển như thế nào để có sự thật công minh nhỉ ? Đây cũng chỉ là một quy trình, trong các quy trình tác vụ thôi, cái chính là bằng chứng cụ thể (viết, nghe, thấy) mới là mấu chốt.