Lập di chúc, hợp đồng cho tặng tài sản: Tránh tranh chấp, phức tạp
Gần đây, nhiều vụ tranh chấp, khởi kiện dân sự liên quan đến tài sản của chính những người trong gia đình, phần nhiều là do cha mẹ mất nhưng không để lại di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản giữa cha mẹ và con cái.
Việc lập di chúc sẽ hạn chế những tranh chấp tài sản phát sinh dẫn đến những rạn nứt tình cảm trong quan hệ gia đình.
- Trong ảnh: Mảnh đất đang tranh chấp của gia đình ông K.
Người một nhà dắt nhau ra tòa
Theo phân tích của ngành chức năng, tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp về nhà cửa, đất đai của cha mẹ để lại sau khi mất nhưng không có di chúc, di tặng hoặc hợp đồng cho tài sản chiếm phần lớn trong các vụ án tranh chấp dân sự kéo dài thời gian qua. Thường gặp nhất là anh em phân bì, tranh giành tài sản đối với người được hưởng trọn phần di sản, chủ yếu là nhà, đất. Trường hợp của ông K. (TX An Nhơn): Mẹ ông bàn bạc (miệng) với ông và em trai là sẽ cho em trai ông được quyền sở hữu, sử dụng căn nhà có diện tích 130 m2, với điều kiện em trai ông phải đưa cho ông số tiền tương ứng 1/3 giá trị của nhà đất này và nuôi dưỡng bà đến cuối đời. Sau đó, em trai của ông K. chuyển toàn bộ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất sang tên mình nhưng không thực hiện những gì đã thỏa thuận. Đáng buồn hơn, sau đó 2 tháng mẹ ông qua đời. Không thương lượng được, ông K. làm đơn khởi kiện em trai ra tòa.
Tượng tự, trường hợp của bà Đỗ Thị Đ. (huyện Hoài Ân) cũng khá éo le, tới lui kiện tụng đã gần 4 năm. Bà Đ. là vợ 2 (không đăng ký kết hôn, có 1 con chung) của ông H. (SN 1945, đã mất). Trước khi sống cùng với bà Đ., ông H. đã kết hôn (năm 1997), ly hôn và có 7 người con với người vợ trước. Năm 2001, bà Đ. về sống chung với ông H. trên thửa đất mà trước đó ông H. đã được cấp quyền sử dụng đất. Năm 2013, ông H. mất nhưng không để lại di chúc hay sự phân chia tài sản nào, nên các con của vợ trước ông H. đã không cho mẹ con bà Đ. tiếp tục sinh sống trong căn nhà này với lý do bà Đ. không có giấy kết hôn với ba của mình nên không có quyền được thừa hưởng. Bà Đ. cho rằng: “Dù không làm hôn thú, nhưng chúng tôi về ở cùng nhau từ năm 2001. Tôi cũng sống cùng và chăm sóc mẹ chồng, cũng có 1 con chung. Bây giờ, tôi chỉ muốn tiếp tục sống tại căn nhà mà tôi và ông H. đã cùng nhau xây dựng cũng như lấy lại 1 ki ốt do tôi bỏ tiền ra xây dựng. Vì đó là nguồn sống của 2 mẹ con tôi”. Nhưng các con của vợ trước ông H. không chịu nên cứ kiện.
Phân chia rõ ràng, gia đình hòa thuận
Thực tế có nhiều hình thức để cho tài sản như cho bằng di chúc, di tặng hoặc hợp đồng tặng cho tài sản. Theo đó, di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng người khác (việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc). Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, cho biết thêm: “Di chúc chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người để lại di chúc chết. Và sau khi lập di chúc, người lập di chúc vẫn là chủ sở hữu của tài sản đó và có quyền hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung di chúc bất cứ lúc nào khi còn sống. Và việc lập di chúc giống như một phần thưởng treo, tạo động lực cho người được hưởng tài sản của di chúc phải đáp ứng một số điều kiện thông thường như đối đãi, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ tốt hơn… Hoặc sau này khi về già, đau ốm nặng, họ có thể hủy bỏ di chúc, rồi bán tài sản này để lo chữa bệnh, để không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho con cái”.
Được biết, tại Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, quy định rõ người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng. Cũng như giao nghĩa vụ cho người thừa kế và chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Do đó, để tránh những tranh chấp, rắc rối, phiền toái xảy ra, người lập di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản phải ghi rõ điều kiện thực hiện, không nên thỏa thuận miệng với người nhận tài sản. Điều kiện này phải được xác lập bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực. Có như vậy quyền lợi, ý chí của người lập di chúc, di tặng, hợp đồng tặng cho tài sản mới được pháp luật bảo vệ, tránh những rắc rối, tranh chấp phát sinh sau khi cha mẹ cho con tài sản.
K.ANH